Tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh quý I ước đạt hơn 4%
Kinh tế của Hà Tĩnh quý 1 năm 2023 đạt mức tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,97%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,84%, khu vực dịch vụ tăng 6,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,54%.
Cụ thể, đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, hoạt động sản xuất trồng trọt của Hà Tĩnh trong quý 1/2023 chỉ thu hoạch cây vụ Đông là chủ yếu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, giá nhiên liệu tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp gặp khó khăn nên chưa thể có bước đột phá đối với khu vực này. Mặt khác, do quy mô cũng như cơ cấu của khu vực này chiếm tỷ trọng khá nhỏ và chỉ đóng góp 0,21 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Vì vậy, khu vực này không thể là bàn đẩy cho tăng trưởng chung.
Đối với hoạt động công nghiệp, xây dựng, đây là động lực tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, từ việc Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 bị sự cố phải dừng hoạt động từ tháng 9/2021 và hoạt động sản xuất thép của Formosa gặp khó khăn do chi phí tăng cao trong khi giá bán thấp nên lượng hàng tồn kho lớn và phải cắt giảm sản lượng sản xuất từ giữa năm 2022 đến nay. Những nguyên nhân đó đã tác động làm sụt giảm mức tăng trưởng của ngành công nghiệp nói riêng cũng như kinh tế của Hà Tĩnh trong năm 2021 và 2022. Bước sang quý 1/2023, hoạt động ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,35% so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là nhân tố tạo ra sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp trong quý 1/2023.
Hoạt động đầu tư, xây dựng có rất nhiều khởi sắc với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh quý 1/2023 ước đạt 9.864 tỷ đồng, tăng 46,08% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành xây dựng quý 1/2023 ước tăng 13,69% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là điểm sáng để góp phần đưa tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 3,84% và đóng góp 1,61 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Hoạt động thương mại, dịch vụ của Hà Tĩnh trong quý I diễn ra khá sôi động; mức tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ của người dân ngày càng tăng, thị trường giá cả ổn định, lượng cung dồi dào đã đưa kết quả tổng mức bán lẻ hàng hóa quý 1/2023 ước đạt 14.213,5 tỷ đồng, tăng 23,84% và doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1.594,7 tỷ đồng, tăng 31,61% so với cùng kỳ. Như vậy, trong khi ngành công nghiệp đang gặp khó khăn thì khu vực dịch vụ đang là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà, với mức tăng trưởng 6,04% so với cùng kỳ và đóng góp đến 2,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Hà Tĩnh nhiều dự án “dậm chân tại chỗ” với những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án... đang là rào cản khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh này khá thấp.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, 3 tháng đầu năm, địa phương này mới chỉ giải ngân vốn đầu tư công được hơn 570 tỷ đồng/ hơn 6.100 tỷ đồng kế hoạch vốn đã được phân bổ (đạt tỷ lệ 9,3%). Giải ngân vốn đầu tư công trên toàn tỉnh đang khá chậm do nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án.
Cụ thể một số dự án trên địa bàn đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, như dự án đường liên huyện Can Lộc – Lộc Hà do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư phải xin gia hạn, kéo dài thời gian hoàn thành thi công từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023.
Với lý do dự án thực hiện từ km10 - km11,5 xã Bình An một số hộ dân thuộc diện tái định cư vẫn chưa đồng tình với các phương án bồi thường. Tiếp đến, dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản Mai Phụ - Hộ Độ (Lộc Hà) cũng vướng công tác giải phóng mặt bằng nên phải kéo dài thời gian triển khai, “ách tắc” không thể giải ngân nguồn vốn.
Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư hơn 61 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2019 – 2020. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng đất diêm nghiệp (đất sản xuất muối) không nằm trong diện đền bù giải phóng mặt bằng nên ì ạch chưa triển khai xong. Năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản áp giá bồi thường đối với đất diêm nghiệp. Tuy nhiên lúc này, dự án đã hết thời gian hợp đồng. Hiện nay, dự án này đang phải chờ điều chỉnh hồ sơ, hợp đồng để tiếp tục triển khai thi công.
Ngoài vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đối với những dự án chuyển tiếp thì những tháng đầu năm, các dự án mới triển khai năm 2023 tại Hà Tĩnh cũng mất rất nhiều thời gian cho công tác hoàn thiện hồ sơ, quy trình thủ tục. Hiện nay, theo quy định, quy trình thủ tục hồ sơ để triển khai các dự án hết sức chặt chẽ; phải thông qua nhiều cơ quan chức năng; lấy ý kiến các sở, ngành nên chậm tiến độ triển khai. Đơn cử như dự án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018 với tổng mức gần 241 tỷ đồng nhưng đến nay, do vướng mắc về thủ tục nên vẫn chưa thể triển khai.