Thẩm định gây tắc nghẽn kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng
"Tắc" tiền kiểm, lỏng lẻo hậu kiểm khiến kênh phát hành trái phiếu ra công chúng chưa thông và những sai phạm trong phát hành riêng lẻ vẫn bị bỏ lọt do lực lượng cán bộ thanh kiểm tra còn mỏng, đã khiến kênh phát hành ra công chúng èo uột...
Một nghịch lý trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp được giới phân tích nêu lên tại Đối thoại chuyên đề với chủ đề: “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 30/9, đó là dù phát hành trái phiếu riêng lẻ rất "hẹp cửa" với nhà đầu tư cá nhân và chi phí phát hành cao nhưng không hiếm doanh nghiệp lớn, có uy tín trên thương trường, rõ ràng đủ điều kiện phát hành ra công chúng lại chọn kênh phát hành riêng lẻ.
KHÂU THẨM ĐỊNH GÂY "TẮC" KÊNH PHÁT HÀNH RA CÔNG CHÚNG
Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) chỉ rõ tính đến hết tháng 8, giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ vẫn áp đảo 96% trong khi phát hành ra công chúng vẫn duy trì trạng thái "èo uột".
Đề cập về khâu thẩm định trái phiếu phát hành ra công chúng gây "ách tắc" kênh này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) thừa nhận trách nhiệm của cơ quan thẩm định rất lớn.
Hiện nay, lãnh đạo Bộ Tài chính đang chỉ đạo rà soát sửa đổi Luật Chứng khoán. Theo đó, sẽ quy định rõ trắng, đen, trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước và ghi rõ trong điều luật.
Nhờ đó, cán bộ thẩm định, cơ quan thẩm định sẽ bớt quan ngại sẽ bị kiểm điểm hay đổ lỗi sau này, bởi tại sao quá trình thẩm định chặt chẽ như vậy mà trái phiếu vẫn kém?
"Thực tế là cán bộ thẩm định đưa ra quyết định chủ yếu trên báo cáo tài chính, các số liệu do doanh nghiệp cung cấp.
Thế nhưng, hoạt động sản xuất kinh doanh muôn hình vạn trạng. Có thể doanh nghiệp hiện đang hoạt động rất tốt nhưng vì 5-6 tháng sau, điều kiện thị trường trở nên xấu đi, làm sao cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thẩm định lường trước được".
Ông Dương cho biết thêm Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát để ban hành những giải pháp tổng thể để phát triển thị trường vốn, để sớm giải quyết vấn đề "ách tắc" vốn cho doanh nghiệp.
CƠ QUAN THANH TRA GIÁM SÁT KHÔNG THỂ ĐIỀU TRA
Cũng tại phiên đối thoại, giới phân tích cũng tỏ rõ nỗi băn khoăn về trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, xử lý vi phạm trên thị trường.
Bởi để quản lý một khối lượng tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng thì phải có một bộ máy thanh tra quy mô lớn lên tới hàng nghìn người và được bố trí khắp 63 tỉnh thành cả nước.
Trong khi đó, thị trường vốn có quy mô tương đương 134,57% GDP, riêng quy mô trái phiếu doanh nghiệp là 16,4% GDP, liệu lực lượng cán bộ thanh kiểm tra có đủ dày, để sớm phát hiện và xử nghiêm vi phạm?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, cho biết quy mô của thị trường vốn ngày càng tăng, tương đương với quy mô của tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, bộ máy quản lý kênh tín dụng ngân hàng có nguồn lực về cán bộ rất lớn, đặc biệt thông qua cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.
Do đó, "ngoài Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan khác sẽ phải tăng cường thay đổi các phương thức quản lý giám sát dựa vào các công nghệ và cách thức quản lý giám sát phù hợp hơn", ông Dương khẳng định. Đồng thời, việc tăng nguồn lực cho cơ quan quản lý nhà nước và cụ thể ở đây Ủy ban Chứng khoán rất cần thiết.
Bởi theo Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, quy mô thị trường ngày càng lớn trong khi các chủ thể trên thị trường ngày càng tinh vi hơn, sản phẩm tài chính ngày càng phức tạp hơn. Bên cạnh đó, tính liên thông giữa thị trường vốn, thị trường tín dụng, thị trường trong ngoài nước ngày càng lớn. Vì vậy, rất cần thiết phải tăng cường nguồn lực cho cơ quan quản lý.
Ông Dương cho biết thêm sắp tới, khi rà soát sửa đổi Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính sẽ làm rõ tính chất của công tác giám sát, từ đó, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, bố trí nguồn lực phù hợp hơn.
Riêng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính có 2 chỉ thị gần đây và rất nhiều các văn bản chỉ đạo các cơ quan có liên quan thuộc trong việc tăng cường quản lý giám sát, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, chấn chỉnh kỷ cương thị trường.
"Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra các tổ chức cung cấp dịch vụ, bao gồm tổ chức tư vấn, công ty kiểm toán, công ty định giá, để đảm bảo các tổ chức này phải nâng cao tính tuân thủ quy định của pháp luật". ông Dương nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng - cơ quan chủ quản trong lĩnh vực bất động sản để có những giải pháp giám sát liên thông, phối hợp, để xử lý và chấn chỉnh sớm những vi phạm nếu có.
"Nhìn vào toàn bộ hệ thống thanh tra giám sát trên thị trường vốn hiện nay, tôi thấy có một nhược điểm là họ không có chức năng điều tra. Vì vậy, theo tôi nên giao thêm chức năng điều tra cho các cơ quan thanh tra giám sát, khi đó sẽ phát hiện những khuất tất trong thị trường".
Góp ý về cơ chế thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng khâu thanh tra giám sát là quyết định, để có một thị trường vốn mạnh mẽ, phát triển bền vững trong tương lai.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, rõ ràng thanh tra ngân hàng nhận biết được những thủ đoạn, chiêu thức đi đường vòng để hợp thức hóa dòng tiền nhưng đều bất lực.
Tuy nhiên, nếu công an vào điều tra thì lại trở thành vấn đề hình sự, rất phức tạp.
Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất giao thêm chức năng điều tra cho các cơ quan thanh tra giám sát, khi đó sẽ phát hiện những khuất tất trong thị trường.