Tham vọng của Chery khi bắt tay làm ô tô với “đại gia” Geleximco
Dè dặt, thận trọng là tâm lý chung của các thương hiệu ô tô Trung Quốc khi quyết định du nhập thị trường Đông Nam Á. Tại Việt Nam, sau 2 năm “thăm dò” thị trường và cân nhắc tỉ mỉ, Tập đoàn Chery đã chính thức quyết định đầu tư nhà máy sản xuất ô tô với thương hiệu mới, thể hiện sự quyết tâm gắn bó và hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp nội địa.
Vừa qua, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo, Tập đoàn Chery (Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Khu Công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải. Đây lần đầu tiên có một thương hiệu xe năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy Việt Nam.
Trước đó, liên doanh GM - (SAIC - WULING) đã hợp tác với TMT Motors và ra mắt mẫu xe điện Wuling Mini EV tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu hợp tác với một sản phẩm xe “thuần” điện (BEV) và nhà máy chủ yếu thực hiện công đoạn lắp ráp, thay vì sản xuất từng bộ phận.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Tập đoàn Geleximco là đơn vị tư nhân đầu tiên hợp tác liên doanh thành công với nước ngoài trong hoạt động sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Honda; Đi đầu trong việc tiếp cận và sở hữu dây chuyền sản xuất nhựa, bao bì, carton; sản xuất xi măng; giấy và bột giấy; nhiệt điện; khai thác khoáng sản...
Theo đó, sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ là trọng tâm chiến lược của Geleximco trong giai đoạn mới, với mục tiêu góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô nước nhà, hướng đến xuất khẩu ô tô. Tuy nhiên, việc mở rộng đầu tư thêm lĩnh vực mới cũng đặt ra nhiều thách thức với tập đoàn này. Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023 của Geleximco cho thấy, tập đoàn này chỉ lãi 16 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của Geleximco ghi nhận đạt 12.810 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước; nợ phải trả đạt 28.182 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp đạt 4.611 tỷ đồng.
Đánh giá về sự kiện hợp tác với Tập đoàn Chery, Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco cho biết: “Chúng tôi gặp gỡ nhau trong Covid, vượt qua không ít khó khăn để xây dựng chủ trương hợp tác. Tôi mong muốn liên doanh này có thể tạo ra một thủ phủ sản xuất ô tô của Đông Nam Á nói riêng và cả châu Á”.
Theo kế hoạch, dự án nhà máy sản xuất ô tô của liên doanh Geleximco - Omoda & Jaecoo có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD, thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026 với vốn đầu tư 220 triệu USD, công suất khoảng 50.000 xe/năm. Giai đoạn 2 (2031 - 2033) với vốn đầu tư 200 triệu USD, công suất 100.000 xe/năm. Giai đoạn 3 (2034-2035) với vốn đầu tư 380 triệu USD, công suất 200.000 xe/năm. Trước mắt, Omoda & Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Indonesia, bao gồm Omoda C5, Omoda E5 ra mắt trong quý III và Jaecoo 7, Jaecoo 7 PHEV ra mắt trong quý IV/2024.
Những năm gần đây, chiến lược chung của tập đoàn Chery là phát triển các dòng xe năng lượng mới (NEV), thay vì chỉ tập trung vào một dòng như xe BEV. Cụ thể, thương hiệu mới là Omoda & Jaecoo sẽ phát triển cả BEV, PHEV và FCEV trong tương lai, phục vụ đa dạng nhu cầu của nhiều thị trường. Đến nay, tổng doanh số NEV toàn cầu của thương hiệu này đã đạt hơn 160.000 chiếc, có mặt tại gần 20 quốc gia, trong đó tại khu vực Đông Nam Á có Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, tại Việt Nam, sau Hội nghị COP 26, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng hàng loạt các đề án, kế hoạch và chính sách nhằm khuyến khích phát triển các loại xe chạy động cơ điện và đốt kèm nhiên liệu có nguồn gốc tự nhiên, trong đó có cơ chế khuyến khích những dòng xe như liên doanh Geleximco và Omoda & Jaecoo phát triển. Chính vì thế, đầu tư tại Việt Nam, liên doanh không chỉ khai thác thị trường 100 triệu dân trong nước mà còn có cơ hội khai thác thị trường 5 tỷ người tiêu dùng thuộc các quốc gia trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.
Như vậy, so với các thương hiệu Trung Quốc đã và sắp hiện diện tại Việt Nam, Omoda & Jaecoo đang cho thấy nỗ lực phát triển thị trường xuất khẩu tại những thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á. Thay vì chỉ xuất khẩu xe nguyên chiếc, hoặc xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô để trung chuyển đến các quốc gia còn lại trong khu vực, Omoda & Jaecoo quyết định đầu tư tại cả 4 thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á với mục tiêu xây dựng “căn nhà” thứ hai của mình. Sau khi có chỗ đứng vững chắc tại Đông Nam Á, chiếc lược tiếp theo có thể sẽ là những thị trường khắc nghiệt hơn như Tây Âu, Bắc Mỹ...
Một trong những sản phẩm chủ lực của Omoda & Jaecoo tại Việt Nam trong giai đoạn này là Omoda E5, mẫu “thuần” điện thuộc phân khúc SUV hạng B. Thông số kỹ thuật đối với mẫu E5 tại Việt Nam chưa được chính thức tiết lộ. Tại thị trường Malaysia, mẫu xe này được trang bị động cơ điện công suất 204 mã lực, mô-men xoắn cực đại 340 Nm, phạm vi di chuyển tối đa 430 km với bộ pin 61 kWh.
Tại Malaysia, giá Omoda E5 khoảng 146.800 MYR (tương đương 770 triệu đồng). Tại Indonesia, Omoda E5 thậm chí có mức giá cao hơn một chút, khoảng 498.800.000 IDR (tương đương 785 triệu đồng).
Trong khi đó, Jaecoo 7 PHEV là dòng xe lai sạc điện, được phát triển dựa trên nền tảng mẫu Jaecoo 7 máy xăng. Hiện tại, phiên bản PHEV chưa chính thức ra mắt toàn cầu nên các thông số chi tiết của mẫu xe này còn là một ẩn số. Phía hãng chỉ chia sẻ Jaecoo 7 PHEV sẽ dùng động cơ 1.5L kết hợp với mô tơ điện.
Một số chuyên gia nhận định với việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam, Omoda & Jaecoo sẽ phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm xuống thấp hơn so với Indonesia và Malaysia mới. Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng trạm sạc cũng là bài toán cần phải giải quyết trong thời gian tới, bằng cách xây dựng các trạm sạc công cộng, hoặc ứng dụng công nghệ mới cho phép tăng phạm vi di chuyển và giảm thời gian sạc để tạo ưu thế cạnh tranh. Riêng đối với dòng xe PHEV sẽ cần nhiều thời gian hơn để chinh phục khách hàng Việt. Hiện tại, với một chiếc xe lai sạc điện, người dùng chưa quen với việc vừa phải đổ xăng, vừa phải cắm sạc.
Chery Automotive được thành lập vào năm 1997, có trụ sở tại Vũ Hồ, tỉnh An Huy (Trung Quốc). Liên tục trong 19 năm, Chery đã giữ được danh hiệu hãng xe xuất khẩu ô tô lớn nhất tại Trung Quốc. Ngoài thị trường nội địa, hãng xe này đang hoạt động mạnh tại thị trường Nam Mỹ, Đông Âu và Châu Phi. Chiến lược tiếp theo của hãng là tập trung sự hiện diện tại Đông Nam Á, thị trường mới nổi đầy tiềm năng trong ngành công nghiệp ô tô.