Tháng ba này, đến Buôn Ma Thuột để thưởng thức cà phê miễn phí

Tường Bách
Chia sẻ

Để phát triển du lịch, Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm cà phê theo từng giai đoạn chăm sóc cây như mùa hoa cà phê, tự tay chăm bón cây cà phê, check-in tại vùng cà phê...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhắc đến Buôn Ma Thuột, một thành phố năng động tại Đắk Lắk, khách du lịch sẽ nghĩ ngay đến những ly cà phê – thức uống thơm ngon đầy xúc cảm và đậm đà bản sắc. Cà phê ở Buôn Ma Thuột không giống như bất cứ nơi nào khác. Tại đây, giống cà phê chính được trồng là cà phê Robusta, còn gọi là cà phê Vối, khoa học gọi là Canephora. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu, thổ nhưỡng màu mỡ đã làm nên hương vị cà phê với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. 

KHI DOANH NGHIỆP CÀ PHÊ LÀM DU LỊCH

Với mùa hoa cà phê vào tháng 3, du khách sẽ cảm nhận được bạt ngàn vườn hoa cà phê thơm nức mũi, khung cảnh thiên nhiên được điểm màu trắng xóa xen với màu xanh lá của cây cà phê, màu đỏ của đất bazan. Đến mùa thu hoạch cà phê và chế biến sau thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12, du khách sẽ chứng kiến sự hối hả của cộng đồng người dân tại vườn cà phê, sự rộn ràng của mùa màng và không khí lao động đầy hứng khởi tại khu vực chế biến...

Do đó, có thể coi “du lịch cà phê” sẽ là đặc trưng thế mạnh của Buôn Ma Thuột, với những tour hiểu sâu hơn về cà phê, từ lúc còn trong vườn đến khi thành thức uống thơm ngon, cũng như những câu chuyện văn hóa độc đáo gắn liền với cà phê. Nhiều doanh nghiệp làm du lịch ở đây, từ công ty lữ hành cũng như các điểm đến, đã liên kết chặt chẽ với nhau đưa du khách đến những vùng trồng cà phê trọng điểm ven đô thị Buôn Ma Thuột nhằm thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm và khám phá của “thượng đế”.

Công ty Du lịch - Thương mại Đam San, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty Cổ phần Du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam, Công ty Lữ hành Khám phá Tây Nguyên và Vietravel - Chi nhánh Buôn Ma Thuột… là những đơn vị tiên phong trong việc triển khai, thực hiện có hiệu quả sản phẩm du lịch trên.

Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Đam San, chia sẻ: “Trong hai tháng đầu năm nay, đã có gần 20 đoàn khách quốc tế (Pháp, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tỉnh thành ở Nam - Trung Bộ đến đây đặt tour du lịch “đặc sản” này. Du khách tỏ ra hài lòng với các cung đoạn trải nghiệm cùng cà phê - từ tưới nước, bón phân, tỉa cành, pha chế và thưởng thức hương vị tại chỗ”...

Mới đây nhất, bên lề cuộc họp báo Lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023, ông Trần Đức Nhật, Phó chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định phố thưởng thức cà phê miễn phí là một trong những nội dung nằm trong đề án "Phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột". Khai trương vào đầu tháng 3/2023, phố thưởng thức cà phê miễn phí nằm trên tuyến đường Phan Đình Giót, ngay trung tâm thành phố, nơi có hàng me cổ rất đẹp.

 
 Sẽ có ba đơn vị sản xuất cà phê lớn tại thành phố Buôn Ma Thuột chủ trì và đưa những sản phẩm ngon nhất, đặc trưng nhất đến phố thưởng thức cà phê miễn phí.

"Ngoài ra, trong lễ hội cà phê sắp tới, thành phố đã kết nối với 300 quán cà phê trên địa bàn phục vụ cà phê miễn phí cho người dân, du khách", ông Nhật thông tin thêm. Đây là những quán lớn, cơ bản bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, có không gian rộng, đã đăng ký hưởng ứng Lễ hội. Ngoài ra, nhiều quán cà phê vỉa hè cũng tự nguyện miễn phí cà phê dịp diễn ra Lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Ông Trần Đức Nhật cho biết: “Với sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương, chúng tôi kỳ vọng cứ đến ngày 10/3 hàng năm, dù có Lễ hội Cà phê hay không, thì du khách khi đến với Buôn Ma Thuột sẽ được thưởng thức cà phê miễn phí trên địa bàn toàn thành phố”.

ĐIỂM ĐẾN CỦA CÀ PHÊ THẾ GIỚI

Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty Simexco Daklak, cho biết đơn vị này sẽ tổ chức các quầy cà phê không gian mở tại đường Phan Đình Giót (gần Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột) và mời du khách thưởng thức cà phê miễn phí. Ngoài ra công ty cũng cung cấp các tour du lịch theo hướng bền vững, đưa du khách đến vườn và trực tiếp lắng nghe người nông dân kể câu chuyện cà phê.

Trong khi đó, không gian trưng bày của thương hiệu MISS EDE ở Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột cũng hưởng ứng lễ hội năm nay với chương trình miễn phí sô cô la và cà phê từ ngày 10/2 - 31/3/2023. Theo ông Hoàng Danh Hữu - Giám đốc Công ty TM&DV Nông trại EDE (MISS EDE), công ty còn chuẩn bị 1.000 phần quà là mẫu cà phê và sô cô la để tặng miễn phí cho du khách trong lễ hội đường phố ngày 10/3.

Các doanh nghiệp cho biết ý nghĩa của những hoạt động này nhằm đưa thương hiệu cà phê Việt Nam lan tỏa nhanh hơn và xa hơn. Ông Lê Đức Huy chia sẻ: "Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ bị giới hạn tại một địa phương mà thật sự đó là lễ hội cà phê của quốc gia, của Việt Nam. Tôi mong muốn một ngày không xa, khi thế giới nghĩ về cà phê Robusta sẽ nhớ đến Việt Nam và nghĩ ngay đến Buôn Ma Thuột là thành phố cà phê của thế giới. Tương tự như nói đến rượu vang là nhớ đến vùng Bordeaux của Pháp…"

Tháng ba cũng là mùa hoa cà phê nở, rất thích hợp cho những tour du lịch cà phê.
Tháng ba cũng là mùa hoa cà phê nở, rất thích hợp cho những tour du lịch cà phê.

Nói về lễ hội cà phê sắp diễn ra, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, từ năm 2010, Chính phủ đồng ý để tỉnh tổ chức lễ hội cà phê định kỳ hai năm một lần. Đây là dịp để tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê. Qua đó giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch, xúc tiến đầu tư, thu hút du khách. Với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới", Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm nay có 18 hoạt động chính diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 10/3 đến 14/3/2023).

Tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, lễ hội lần này thu hút được khoảng từ 46.000 – 50.000 du khách, bằng lượng khách dự lễ hội lần thứ 7 (thời điểm trước dịch Covid-19). Hiện trên địa bàn tỉnh có 97 cơ sở lưu trú từ 1 đến 5 sao, Đắk Lắk có thể đón 12.000 khách/đêm, vì thế, tỉnh có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú của lượng du khách đông trong lễ hội lần này”, ông Hà chia sẻ.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2023, UBND TP.Buôn Ma Thuột phối hợp với VNPT Đắk Lắk đã công bố “App cà phê và du lịch thành phố Buôn Ma Thuột”. Đây là một ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại di động, giúp du khách dễ dàng, thuận lợi hơn khi tra cứu, tìm hiểu các thông tin liên quan về du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, người dùng có thể cài đặt ứng dụng và truy cập tìm hiểu thông tin du lịch liên quan bằng cách tìm kiếm từ khóa "Cà phê Buôn Ma Thuột" trên Google play hoặc App Store; hoặc quét mã QR-code được dán tại sân bay Buôn Ma Thuột, các bến xe khách, cơ sở lưu trú, quán cà phê, nơi công cộng…

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con