Thanh Hóa thu ngân sách gần 22.500 tỷ đồng
Với việc tích cực triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách ngay từ đầu năm, vì vậy 5 tháng qua Thanh Hóa thu ước đạt gần 22.500 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán và tăng 27,9% so với cùng kỳ...
Ngày 22/5, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội. Theo thông tin tại phiên họp, tình hình kinh tế tháng 5 của tỉnh này tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng khá so với cùng kỳ.
THU TỪ DU LỊCH THÁNG 5 TĂNG MẠNH
Trong đó, nổi bật là sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, sản lượng thủy sản tăng 1,5%. Trong tháng, toàn tỉnh Thanh Hóa đã trồng được 600ha rừng tập trung, xử lý 25 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách Nhà nước 236,4 triệu đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 đã trồng mới 3.800ha rừng tập trung, bằng 38% kế hoạch.
Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh này phát triển ổn định, các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chủ động khắc phục khó khăn về nguyên liệu đầu vào, đổi mới quy trình sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, thị trường tiêu thụ để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, các ngành dịch vụ tiếp tục đà phát triển, theo dữ liệu của Cục Du lịch Quốc gia, Thanh Hóa là địa phương đứng đầu cả nước về lượng du khách và doanh thu du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5; tổng lượt khách du lịch tháng 5 trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 1,8 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế ước đạt 84,5 nghìn lượt khách), tăng 17,1% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch ước đạt 4.520 tỷ đồng, tăng 36,8%. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 5 tăng 16,6%, giá trị xuất khẩu tăng 22%.
Trong tháng 5, thu ngân sách Nhà nước của Thanh Hóa ước đạt 3.346 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 22.481 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán và tăng 27,9% so với cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh này xếp thứ 30 cả nước, tăng 17 bậc so với năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế tháng 5 của Thanh Hóa vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tỉnh này có 5/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ; hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động giảm 8,6%, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 23,7%.
Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm còn chưa bảo đảm yêu cầu. Một số chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 giảm thứ bậc so với năm 2022: Chỉ số PAPI giảm 10 bậc, Chỉ số SIPAS giảm 8 bậc, Chỉ số PAR INDEX giảm 15 bậc...
MỘT SỐ CHỦ ĐẦU TƯ THIẾU CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT
Nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những khó khăn, hạn chế trên được nêu rõ trong phiên họp. Đơn cử như tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động trong giải quyết công việc ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ.
Một số chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao, thiếu chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, một số nhà đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn chưa thực hiện theo đúng cam kết. Một số quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu chưa thống nhất, chưa phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện...
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, chủ động kiểm tra, theo dõi nắm chắc tình hình biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào và hoạt động của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp để củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn; trên cơ sở Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX năm 2023 của tỉnh, khẩn trương rà soát, xác định nguyên nhân các chỉ số có điểm số thấp, xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm nâng cao điểm số, thứ bậc các chỉ số thành phần, đặc biệt là các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp so với cùng kỳ và chung của cả nước.
Cùng với đó, các sở ngành và địa phương cần tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tăng cường kiểm tra các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, xử lý nghiêm các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định pháp luật hiện hành.