Thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện chức năng xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật...
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện chức năng xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật.
Trung tâm này có tư cách pháp nhân, con dấu, trụ sở làm việc được đặt ở TP. Huế, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cho Trung tâm. Đồng thời, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện điều chuyển tài sản, tài chính và viên chức, người lao động từ Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại về Trung tâm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được giao chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh xây dựng lộ trình thực hiện tự chủ tài chính theo quy định của pháp luật.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự kiến Trung tâm sẽ có 47 biên chế viên chức và hợp đồng lao động. Biên chế của Trung tâm là biên chế sự nghiệp, do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định phân bổ hàng năm trên cơ sở vị trí việc làm và số lượng người làm việc phù hợp.
Trung tâm sẽ có Ban Giám đốc và có 3 phòng chuyên môn gồm phòng Hành chính - Tổng hợp, phòng Xúc tiến, Hỗ trợ đầu tư và phòng Đổi mới sáng tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tỉnh này đã có những bước tiến mới trong công tác thu hút đầu tư. Trong đó, chú trọng đổi mới phương thức xúc tiến, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, chú trọng xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực nhằm hình thành và phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm logistic. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghiệp cao, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan, khu đô thị, hạ tầng cảng biển.
Chính vì vậy, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh này đã đạt được những kết quả khả quan. Chỉ tính riêng trong quý I/2024, Thừa Thiên Huế cấp mới cho 13 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3.527 tỷ đồng (trong đó, có 6 dự án FDI với tổng vốn 30,2 triệu USD).
Trong địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới 7 dự án đầu tư với vốn đăng ký 2.411 tỷ đồng; ngoài địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 06 dự án với vốn đăng ký hơn 1.116 tỷ đồng; có 202 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.164 tỷ đồng, tăng 3% về lượng và giảm 5% về vốn so với cùng kỳ.