Thị trường bất động sản 2023: Hướng về nhu cầu thật
Vướng mắc pháp luật đang trong quá trình tháo gỡ và hoàn thiện; đầu tư công được đẩy mạnh; gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế được thông qua, đây là những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản dần phục hồi và phát triển lành mạnh...
Chia sẻ tại hội thảo “Bắt mạnh thị trường bất động sản Việt Nam và dự báo 2023” do Hội Môi giới bất động sản (VARS) tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định rằng năm 2022 nổi lên một chữ “khó”. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải nhìn lại, sửa đổi chính mình để bắt nhịp được với xu thế”, ông Thành nói.
HÀNG NGÀN DỰ ÁN PHẢI DỪNG LẠI VỚI TỔNG GIÁ TRỊ ƯỚC ĐẠT 30 TỶ USD
Sự khó khăn chồng chất của doanh nghiệp cũng được nêu rõ tại báo cáo của VARS: “Trong khoảng hai năm qua, có hàng ngàn dự án đã được các doanh nghiệp triển khai, đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý với tổng giá trị ước đạt khoảng 30 tỷ USD. Sự việc này đã làm giảm nguồn cung và làm nghiêm trọng hơn tình hình đóng băng tạm thời của thị trường. Thêm vào đó, thị trường tiền tệ bị thắt chặt, chính sách đối với thị trường tài chính chưa ổn định, tạo dòng tiền khó, làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Thanh khoản yếu, dòng tiền thu hồi khó làm tắc mạch thị trường".
"Tính chung cả năm 2022, không có dự án nhà ở mới nào được phê duyệt, mà chỉ số ít dự án về dịch vụ. Thị trường cũng thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với “túi tiền” của số đông người dân. Nguồn cung toàn thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng 28% so với năm 2018. Trong đó, phân khúc đất nền chiếm 44%, căn hộ cao cấp chiếm 37%, căn hộ trung cấp chiếm 15% và căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng thấp nhất với 4%. Tỷ lệ tiêu thụ chung của toàn thị trường đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, bằng 69% so với lượng tiêu thụ của năm 2021 và bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018”, VARS cho biết.
Đánh giá tổng quát về diễn biến trên thị trường trong năm qua, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng thư ký VARS, nhận định: đầu năm, số lượng nhà đầu tư F0 tăng mạnh làm bùng nổ cơn sốt đất, đặc biệt ở một số khu vực như Lâm Đồng, Nha Trang, Đắk Lắk… Nhưng từ cuối tháng 5/2022, lãi suất tăng, kinh tế bất ổn, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp vướng vào lao lý đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải nhấn nút “tạm dừng”. Đến quý 4/2022, cầu đầu cơ gần như bị triệt tiêu, các sản phẩm biệt thự, nhà ở liền kề đô thị gần như không phát sinh giao dịch.
Cuối năm 2022, thị trường xuất hiện làn sóng “cắt lỗ” bởi ảnh hưởng từ các chính sách tài khóa và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư lại không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Các dự án phù hợp với nhu cầu ở thực, đầy đủ pháp lý, thanh khoản tốt có dấu hiệu tăng giá cùng với chương trình thanh toán linh hoạt về hỗ trợ lãi suất hay ân hạn nợ gốc cũng như các khoản chiết khấu hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư.
SẢN PHẨM PHỤC VỤ NHU CẦU THỰC VẪN ĐƯỢC ĐÓN NHẬN TÍCH CỰC
Cũng đề cập đến diễn biến của thị trường, ở góc độ đơn vị phân phối bất động sản, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Tập đoàn Newstar Group, khẳng định những doanh nghiệp có năng lực, có quyết sách đúng vẫn có tín hiệu lạc quan. Một số phân khúc thị trường vẫn có thanh khoản tốt như nhà giá ở rẻ, nhà xã hội do nhu cầu đang rất cao, các phân khúc này có nhiều cơ hội phát triển trong 2023.
Thị trường bất động sản năm 2023 sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ hơn, các dự án đáp ứng nhu cầu thực, có pháp lý đầy đủ thì mới được chào bán và cộng đồng khách hàng mới quan tâm xuống tiền. Điều này giúp cho thị trường phát triển bền vững hơn. Do đó, doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ sản phẩm để có đầu ra, cần phải thay đổi chính mình, tạo mục tiêu kế hoạch rõ ràng, ngoài việc làm nhà ở cho người giàu rồi thì cũng cần chú trọng tạo nơi an cư cho những người có thu nhập trung bình, khai phá, làm đẹp hơn cho các vùng đất mới…
Dự báo về thị trường, bà Huyền cho rằng cuối quý 2/2023, thị trường sẽ có tín hiệu tốt hơn hiện nay, đến quý 3 sẽ phục hồi rõ nét và sang quý cuối năm sẽ hân hoan hơn.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA, nhận định khó khăn hiện nay chính là cơ hội nhìn lại mình và nhìn về tương lai, để hoạch định, lựa chọn hướng đi phù hợp, tạo ra doanh nghiệp bền vững hơn. Đây mới là điều quan trọng cho nhiều năm tiếp theo.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 2 phát hành ngày 9-1-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam