Thị trường ô tô Việt cuối năm 2022 diễn biến khó lường
Chỉ còn không lâu nữa là đến Tết Nguyên Đán Quý Mão, thời điểm nhu cầu mua xe ô tô sẽ tăng cao. Tuy nhiên, thị trường ô tô trong nước năm nay có những diễn biến khó đoán bởi ngoài lý do thiếu linh kiện, chi phí vận tải tăng cao, biến động tỷ giá ngoại tệ thời gian gần đây đã có tác động trực tiếp đến giá xe.
Nhiều ưu đãi
Để kích cầu dịp cuối năm, nhiều hãng đã liên tục tung ra các chương trình khuyến mại. Đơn cử như Subaru Việt Nam hiện đang ưu đãi cho khách mua xe Forester trong tháng 11 cao nhất lên đến 259 triệu đồng. Subaru Forester 2.0i-L 2022 được khuyến mãi 259 triệu đồng, từ mức 1,28 tỷ đồng xuống còn 869 triệu đồng. Khách hàng mua phiên bản này còn nhận được nhiều quà tăng khác đi kèm. Hay như phiên bản Subaru Forester 2.0i-S Eyesight cũng được khuyến mại lên đến 184 triệu đồng.
Hãng xe Đức là Volkswagen cũng đang gây chú ý khi hạ giá sâu cho chiếc xe sedan cỡ D Passat với mức giảm hơn 200 triệu đồng so với mức niêm yết. Tuy nhiên đây là mẫu xe theo diện “xả hàng tồn kho” vì Volkswagen đã ngưng nhập khẩu Passat về Việt Nam từ đầu năm 2022 và đang bán ra những chiếc cuối cùng.
Một số mẫu ô tô phổ thông khác cũng đang giảm giá khá sâu. Trong đó, các đại lý giảm giá cho hàng loạt mẫu xe như Mazda CX-8 giảm cao nhất tới 122 triệu đồng, Mazda 6 giảm 63 triệu, All-New Mazda 3 ưu đãi 47 triệu đồng cùng nhiều quà tặng.
Tháng 11, Mitsubishi áp dụng khuyến mại cho một số phiên bản của các dòng xe Attrage, Xpander/Xpander Cross, Outlander và Triton. Tuy nhiên, mức ưu đãi không cao và chủ yếu dưới dạng quà tặng có giá trị từ 2,5 đến cao nhất là 30 triệu đồng.
Tư vấn bán hàng của một số đại lý Honda cho biết CR-V đang nhận mức ưu đãi lên đến 100 triệu đồng trong dịp cuối năm. Sedan cỡ B Honda City cũng có chương trình ưu đãi riêng trong tháng 11. Tư vấn bán hàng cho biết dòng xe này hiện giảm 20 triệu tiền mặt.
Toyota Vios cũng đang áp dụng mức giảm khoảng 40 triệu tiền mặt tại đại lý và quà tặng theo chương trình của hãng.
"Ngược chiều" dịp cuối năm
Trong khi nhiều mẫu xe đang được giảm mạnh để tăng lực mua từ khách hàng dịp cuối năm thì một số khác lại ngược chiều tăng giá.
Điển hình trong số này là Land Cruiser LC300 đã được Toyota Việt Nam điều chỉnh giá bán tăng thêm 96 triệu đồng, có giá bán mới là 4,196 tỷ đồng, còn phiên bản màu trắng ngọc trai giá là 4,207 tỷ đồng. Mức giá này sẽ được áp dụng từ đầu tháng 10/2022. Khách hàng muốn có suất giao xe ngay cần chi thêm “tiền lạc” hơn cả tỷ đồng.
Toyota Veloz Cross được điều chỉnh giá bán mới, tăng từ 5-10 triệu đồng cho cả 2 phiên bản CVT và CVT Top. Nguyên nhân điều chỉnh được một số tư vấn viên bán hàng cho biết là do nguồn cung linh kiện thay đổi, chi phí đầu vào lớn hơn nên hãng phải tăng giá bán .
Mới đây nhất, từ giữa tháng 11, Trường Hải (THACO) cũng cho biết đã điều chỉnh tăng giá tất cả sản phẩm đang kinh doanh, trừ mẫu MPV cỡ nhỏ Carens mới ra mắt.
Cụ thể, mẫu xe rẻ nhất trong danh mục sản phẩm của KIA là Morning tăng giá từ 20-30 triệu đồng, mẫu Soluto tăng 15-20 triệu. KIA K3 tăng 30-40 triệu đồng, K5 tăng 40-60 triệu. Riêng các mẫu xe khác như Sonet, Seltos, Sportage, Carnival tăng chung mức giá từ 10-30 triệu. Đặc biệt mẫu KIA Sorento có mức tăng cao nhất, từ 10-70 triệu.
THACO cũng tăng giá 3 mẫu xe Peugeot 2008; 3008 và 5008, mức cao nhất lên tới 45 triệu đồng. Cụ thể, Peugeot 2008 tăng giá từ 40 – 45 triệu (giá mới 854 – 919 triệu đồng); Peugeot 5008 có mức tăng từ 40-45 triệu (giá mới 1,304 – 1,399 tỷ đồng) và Peugeot 3008 tăng chỉ 25 – 30 triệu (giá mới 1,064 – 1,284 tỷ đồng).
Đáng chú ý nhất là mẫu SUV Ford Everest khan hàng ngay từ khi ra mắt các đại lý đã “nhanh chân” tung giá lạc dao động 70-100 triệu đồng. Trong đó phiên bản Ford Everest Titanium+ 2.0L AT 4X4 đang có mức "lạc" cao nhất lên tới 100 triệu đồng.
Diễn biến khó lường
Theo Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số các đơn vị thành viên VAMA trong tháng 10/2022 đạt 36.560 xe các loại, tăng 9,3% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2021. Từ số liệu tăng trưởng trên có thể thấy thị trường ô tô Việt đang bước vào giai đoạn tiêu thụ mạnh đúng dịp cuối năm. Tuy nhiên, trong khi nguồn cung ít, cầu tăng dẫn đến giá xe cuối năm khó có thể giảm là điều dễ hiểu.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng ngoài lý do thiếu linh kiện, chi phí logistics tăng cao, biến động tỷ giá ngoại tệ cũng tác động trực tiếp đến giá xe. Không chỉ thế, một vấn đề ảnh hưởng tới giá thành ô tô trong nước lâu nay chính là vấn đề tỷ lệ nội địa hoá thấp nên phần lớn linh kiện đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, sản xuất, lắp ráp ô tô đều phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và sử dụng đồng USD để thanh toán. Vì vậy, tỷ giá tăng đang làm tăng chi phí sản xuất và gây sức ép lên giá xe. Với các doanh nghiệp nhập khẩu, khi giá USD tăng lên, chắc chắn chi phí đầu vào tăng, dẫn đến đầu ra cũng phải tăng do doanh nghiệp phải gồng mình trước khoản chênh lệch tỷ giá. Biện pháp nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, áp dụng là phải tăng giá bán để bù lại chi phí.
Ngoài ra, nguồn tín dụng từ các ngân hàng do đã hết “room” tín dụng dẫn đến khách hàng gặp khó khăn khi mua xe dịp cuối năm. Mặc dù đã nới room tín dụng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ở thời điểm hiện tại đã đạt khoảng 13,6%. Điều này dẫn đến dư địa cho vay vẫn còn nhưng sẽ tập trung cho các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên. Khả năng duyệt hồ sơ và giải ngân vốn vay mua ô tô của khách hàng sẽ tiếp tục là một thách thức từ nay đến cuối năm 2022.