Thị trường xe máy “tuột dốc”, Việt Nam đang bước sang giai đoạn “ô tô hoá”
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) vừa công bố doanh số bán xe quý III/2022. Theo đó doanh số tăng hơn 200%, do cùng kỳ năm 2021 là thời điểm giãn cách do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tổng thể trong 4 năm qua thì chuỗi bán hàng của thị trường xe máy Việt đang trên đà giảm và bão hoà.
Thị trường xe máy đã bão hoà
Những con số thống kê cho thấy bức tranh trái ngược giữa đà phát triển của thị phần ô tô và thị phần xe máy tại Việt Nam trong những năm qua.
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), bao gồm 5 thành viên là Công ty Honda Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty Việt Nam Suzuki, Công ty SYM Việt Nam và Công ty Yamaha Motor Việt Nam mới đây đã công bố doanh số bán hàng quý III/2022 (tính từ tháng 7 đến hết tháng 9/2022) là 762.154 xe.
Doanh số bán hàng cộng dồn chính là tổng lượng bán ra của cả 5 thành viên VAMM tại thị trường Việt Nam, không phải là số sản xuất và không bao gồm số lượng xuất khẩu.
Nếu so với cùng kỳ năm 2021 là thời điểm thị trường bị đóng băng vì dịch bệnh và giãn cách thì doanh số này tăng hơn 200%. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thì thị trường xe máy đang lao dốc trong những năm gần đây liên tục.
Trước đó, quý III/2021 doanh số của VAMM công bố chỉ đạt 367.037 chiếc, giảm mạnh đến 45,84% so với cùng kỳ năm 2020. Quý III/2022 chỉ đạt 677.739 xe, sụt giảm tới gần 19% so với năm 2019 bán ra 831.440 xe. Quý III/2019 là thời điểm không có dịch bệnh và kinh tế đang phát triển mạnh cũng giảm so với cùng kỳ năm 2018 gần 4%.
Từ những số liệu thống kê cho thấy thị trường xe máy tại Việt Nam đã có dấu hiệu bão hòa và đang bước sang giai đoạn ô tô hoá.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại với thị trường ô tô, luỹ kế 9 tháng năm 2022, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán hàng đạt 296.403 xe các loại, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này có 231.698 xe du lịch, tăng 78%; 40.495 xe thương mại, tăng 10%; và 4.210 xe chuyên dụng, tăng 2% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 9/2022, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 169.958 xe, tăng 58% trong khi xe nhập khẩu là 126.445 xe, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, luỹ kế 9 tháng của năm 2021, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 188.937 xe các loại, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, Bộ Công Thương dự báo lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm tuy nhiên chỉ khoảng từ 3-5% so với năm 2019. Luỹ 9 tháng đầu năm 2020, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 179.155 xe, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 23%, xe thương mại giảm 20% và xe chuyên dụng giảm 36%.
Xa hơn là luỹ kế 9 tháng năm 2019, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán 230.334 xe ô tô các loại, tăng 18% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, xe xe ô tô du lịch đạt 168.694 xe, tăng 30%; xe thương mại 57.523 xe, giảm 3%; và xe chuyên dụng đạt 4.117 xe, giảm 27% so với cùng kì năm 2018.
Xu thế “ô tô hoá” tại Việt Nam
Theo xu hướng phát triển, khi thu nhập của các cá nhân trong xã hội tăng cao, họ có xu hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm hiện đại đi kèm với chất lượng và bảo đảm an toàn. Đáp ứng được yêu cầu đó, ô tô sẽ là phương tiện được ưa chuộng và dần thay thế xe máy theo xu hướng phát triển đi lên của đất nước như một xu thế tất yếu. Đồng thời, trong các ngành công nghiệp cũng như nông nghiệp, con người sử dụng ô tô như nguồn lực trực tiếp phục vụ quá trình lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại phát triển.
Theo Bộ Công Thương, ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hơn 3.000 phụ tùng, linh kiện khác nhau (đối với ô tô con, số linh kiện, phụ tùng có thể từ hơn 20.000 đến 30.000 – tính theo những linh kiện nhỏ nhất) được sản xuất từ nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là cơ khí, điện tử, cao su-nhựa, trong đó nhiều phụ tùng lại được lắp ráp từ vài chục đến vài trăm linh kiện như động cơ, hộp số.
Sản phẩm ô tô sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Một quốc gia được coi là bước vào giai đoạn "motorization" (ô tô hóa) khi trung bình có trên 50 ô tô/1.000 dân. Hiểu theo nghĩa rộng, motorization là quá trình ô tô trở nên phổ biến và trở thành phương tiện thiết yếu của người dân khi thu nhập được nâng cao. Hiểu theo nghĩa hẹp, đó là thời kỳ bùng nổ nhu cầu sở hữu và sử dụng dòng xe du lịch dưới 9 chỗ.
Nền kinh tế Việt Nam theo đánh giá của Bộ Công Thương đang ở giai đoạn trước của motorization. Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người sẽ ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông ngày một phát triển và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Có thể khẳng định rằng, giai đoạn motorization chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2025, khi trung bình có trên 50 xe/1.000 dân; GDP/người >3.000 USD.
Bộ Công Thương cũng dự đoán, đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần sẽ giảm dần.