Thủ tục truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều bất cập, VASEP kiến nghị sửa đổi

Chu Khôi
Chia sẻ

Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc về các thủ tục liên quan đến truy xuất nguồn gốc thủy sản, bởi nhiều bất cập, như: Cấp giấy xác nhận nguyên liệu đánh bắt (S/C); Quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước; chuyển đổi sản phẩm xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa…

Chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn vướng nhiều quy định và thủ tục hành chính.
Chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn vướng nhiều quy định và thủ tục hành chính.

Phúc đáp Công văn số 71/HĐTV ngày 4/6/2024 của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Hội đồng) của Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo kết quả hoạt động quý 2 và phương hướng nhiệm vụ quý 3, quý 4 của năm 2024, mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 78/CV-VASEP tới Hội đồng để báo cáo nội dung trên.

KIẾN NGHỊ VỀ LÃI VAY VÀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Theo đó, VASEP nêu lên một số vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp thủy sản trong quý 2/2024.

Đối với việc áp trần chi phí lãi vay, VASEP cho rằng việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời đề nghị sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại diểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, … để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

 “Các lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU phải nộp kèm giấy C/C (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa). Giấy S/C được cấp bởi cảng cá là cơ sở để Chi cục thủy sản cấp tỉnh cấp giấy C/C, nên việc chậm cấp giấy xác nhận S/C tại các cảng cá đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp".

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP

Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản, sau nhiều năm vướng mắc liên quan việc áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao tới 20% tại Cục thuế nhiều địa phương do Cục thuế xác định sản phẩm thủy sản là từ “hoạt động sơ chế”.

Sau kiến nghị của VASEP và tham vấn ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 12/3/2021, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 2550/BTC-TCT về việc chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VASEP.

Trong văn bản này đã xác định rõ “là hoạt động chế biến thủy sản” làm căn cứ để các Cục thuế xác định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, hiện mỗi địa phương đang thực hiện vấn đề này theo một kiểu khác nhau, vì vậy, VASEP kiến nghị việc này cần được Chính phủ, Bộ Tài chính đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất.

TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỦY SẢN VƯỚNG NHIỀU QUY ĐỊNH BẤT CẬP

Theo VASEP, các doanh nghiệp chế biến hải sản hiện đang gặp khó khăn ở khâu đảm bảo nguyên liệu đánh bắt hợp pháp. Hiện nay, việc cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) tại các cảng cá ở nhiều nơi đang mất rất nhiều thời gian, kéo dài hàng tháng sau khi hải sản đánh bắt đã cập cảng và đưa về nhà máy, thậm chí  nhiều lô phải đợi đến đến 2-3 tháng.

Trong khi đó, hàng thủy sản đưa về nhà máy chế biến và xuất khẩu đi chỉ trong có từ 1 đến vài tuần. Hiện trạng bất cập này đã được VASEP báo cáo và kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản báo cáo số 01/BC-VASEP ngày 09/01/2024.

 

"Mọi lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU hiện đều phải cung cấp cho đối tác giấy S/C này, nên việc chậm cấp giấy xác nhận S/C tại các cảng cá đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp".

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP.

Nay VASEP tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy Xác nhận nguyên liệu (S/C) tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc hải sản, kiểm soát IUU.

VASEP cho rằng quy định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và quy định xử phạt vi phạm hành chính cho quy định “trộn lẫn” (tại khoản 4, Điều 42 Nghị định 38/2024/NĐ- CP) đang gây hoang mang cho doanh nghiệp.

Khúc mắc được các doanh nghiệp chế biến thủy sản nêu lên là: Không biết khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu” trong “cùng một lô hàng xuất khẩu” được hiểu như thế nào mới đúng. Bởi tại Luật Thủy sản (2017), Nghị định 26/2019, Nghị định 37/2024 và 38/2024 không thấy có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu” kể trên. Do đó, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá lại và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, tháo gỡ quy định “không trộn lẫn...” kể trên.

Đề cập về quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu (hoặc gia công xuất khẩu), VASEP cho hay hiện vẫn chưa có quy định/hướng dẫn về “chuyển mục đích sử dụng” như kể trên tại các Thông tư về kiểm dịch thủy sản nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện người dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản rất khó thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng cho hàng nhập khẩu, đang tạo ra một khoảng trống trong quy định đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của doạnh nghiệp và sản xuất kinh doanh. Vì vậy, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.

Trong công văn, VASEP cũng nêu lên vướng mắc liên quan đến Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C) của nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ New Zealand để chế biến xuất khẩu vào EU.

Hiện nay, lô hàng thành phẩm của doanh nghiệp sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand chưa được cơ quan thẩm quyền (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các đơn vị thuộc Cục ghi nhận là đáp ứng yêu cầu nhằm giải quyết các thủ tục cần thiết (cấp H/C) cho việc xuất khẩu lô hàng sang EU.

Lý do bị từ chối là do nội dung trên giấy H/C nhập khẩu cấp bởi New Zealand không đầy đủ và không tương thích với mục XI - Chương trình xuất khẩu thủy sản vào EU ban hành kèm theo Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để tháo gỡ vấn đề này, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trên cơ sở công nhận, thừa nhận lẫn nhau và thực tiễn của vấn đề, chấp nhận mẫu H/C của các quốc gia có Thỏa thuận với EU.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con