Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành nông nghiệp cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh hơn
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện chỉ đạo sản xuất, thương mại và xuất khẩu thiết thực hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nông nghiệp, nông dân...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 29/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi”.
NGÀNH NÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG 2,85%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, ngành nông nghiệp đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, đạt “mục tiêu kép; vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành Nông lâm ngư nghiệp tăng 2,85%. Trong đó: nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%/ Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD.
Nhiều chỉ tiêu phát triển của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra Sản xuất lúa: Sản lượng đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.
Nhiều loại cây trồng khác cũng đạt được tăng trưởng cao như: sản lượng rau màu đạt 18,6 triệu tấn, tăng 325,5 nghìn tấn so với năm 2020; sản lượng một số cây ăn quả chủ lực sản lượng tăng từ 5 - 19%.
Đối với chăn nuôi, sản lượng thịt các loại đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2020; sữa tươi đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; trứng 17,5 tỷ quả, tăng 5,1%.
Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn tăng 0,9%, nuôi trồng 4,8 triệu tấn tăng 1,1%.
Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su)
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hết năm 2021, có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
ĐƯA KIM NGẠCH XUẤT KHẨU LÊN TRÊN 50 TỶ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số chỉ tiêu cơ bản năm 2022 của ngành, như tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,9 - 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 49 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, với phương châm “Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, những chuyển biến, vai trò, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp đã được nâng cao. Người nông dân Việt Nam đã biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Đó là ngành nông nghiệp vẫn chưa được phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Ngành nông nghiệp chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu… còn hạn chế, chưa chủ động.
Ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới. Đặc biệt chưa coi trọng phát triển đi kèm khắc phục biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan.
Công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế. Việc chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, xuất khẩu còn mất cân đối.
Từ những tồn tại, hạn chế đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp “mổ xẻ”, đánh giá kĩ lưỡng nguyên nhân để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo. “Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc thẩm quyền Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo”, Thủ tướng chỉ đạo.
Nhận định về bối cảnh năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có nhiều khó khăn hơn năm 2021. Do đó ngành nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện thiết thực hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
"Năm 2022, ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng cao hơn, xuất khẩu cao hơn. Đã có nền tảng thì cần kế thừa, cần quyết tâm đặt ra xuất khẩu năm 2022 trên 50 tỷ USD", Thủ tưởng giao chỉ tiêu, đồng thời nhấn mạnh "Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi. Một mặt sản xuất xuất khẩu nông sản chính ngạch, một mặt cần phải cải thiện quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế. Vấn đề là phải có sản phẩm nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Thủ tướng cũng đề nghị ngành Nông nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng. Cần nâng cao năng lực chế biến vì muốn sản xuất lớn rất cần quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ về thị trường, vốn cho người nông dân. Đó là chuỗi công việc để xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Thủ tướng lưu ý tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với dự báo thị trường cũng như tình hình liên quan để phát triển, xây dựng chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải metan theo cam kết của COP26, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng.
"Ngành nông nghiệp cần phát triển kinh tế vùng, phát triển chuỗi sản phẩm, liên kết quốc tế; đầu tư công nghệ, thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp. Về vấn đề phát triển kinh tế biển, yêu cầu định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển", Thủ tướng chỉ đạo.