Thực lực ngành vận tải qua đầu vào và đầu ra
Vận tải là cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh với tiêu dùng. Đầu vào và đầu ra có vai trò quan trọng đối với vận tải. Trong vài năm trước, luân chuyển hành khách và hàng hóa đều bị giảm, có loại bị giảm sâu. Năm 2022, tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tốc độ tăng/giảm luân chuyển hành khách, hàng hóa trong 3 năm qua thể hiện ở biểu đồ 1.
GHI NHẬN KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Luân chuyển hành khách tăng cao với tốc độ 2 chữ số và luân chuyển hàng hóa đã tăng trên 6% trong 3 năm liên tục (2017-2019), góp phần làm cho tăng trưởng GDP đạt tốc độ cao, trong đó 2018-2019 đã vượt qua mốc 7%.
Từ năm 2020 và 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, luân chuyển hành khách đã giảm sâu (trong đó đường sắt 2020 giảm 57,2% và 2021 giảm 57,8%, tương ứng đường bộ giảm 19,8% và 36,7%, đường thủy giảm 59,5% và 28,1%, đường hàng không giảm 55,9% và 62%). Luân chuyển hàng hóa cũng bị giảm, tuy tốc độ giảm ít hơn luân chuyển hành khách.
Bước sang năm 2022, luân chuyển hành khách đã phục hồi ở tất cả các ngành vận tải (biểu đồ 2).
Vận tải ngoài nước tăng rất cao so với tốc độ tăng chung (78,3%) và so với khu vực trong nước (62,4%). Điều đó thể hiện sức bật sau 2 năm bị giảm và nhu cầu đi lại của khách nội địa và sự tăng lên của khách quốc tế đến Việt Nam (khách quốc tế gấp 23,3 lần). Đáng lưu ý, đường sắt những năm trước thường tăng thấp, thậm chí giảm một cách đáng lo ngại, nhưng năm nay đã tăng cao hơn tốc độ chung và tốc độ tăng của một số ngành vận tải khác. Ngành hàng không tăng trưởng rất cao.
Cùng với sự luân chuyển hành khách tăng thì luân chuyển hàng hóa cũng tăng cao với sự tăng lên của các ngành vận tải hàng hóa cụ thể (biểu đồ 3).
Tốc độ tăng chung và một số ngành khá cao. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất, kinh doanh phục hồi, xuất nhập khẩu tăng cao tạo nhu cầu vận tải hàng hóa tăng. Đây là tín hiệu khả quan để hồi phục vận tải hàng hóa.
Luân chuyển hành khách, hàng hóa tăng cao trở lại do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do chuyển dịch chiến lược phòng, chống đại dịch và kết quả phòng chống dịch Covid-19. Có nguyên nhân do nhu cầu phục hồi sản xuất và đời sống của nhân dân. Những kết quả trên là tín hiệu khả quan để luân chuyển hành khách và luân chuyển hàng hóa trong năm tới phục hồi tăng trưởng với quy mô đạt bằng hoặc cao hơn trước đại dịch, riêng luân chuyển hàng hóa còn cao hơn nữa.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Tốc độ tăng trong năm nay so với năm trước về luân chuyển hành khách, luân chuyển hàng hóa đạt khá, có một phần do gốc so sánh năm 2020, 2021 ở mức thấp, giảm khá sâu so với trước đại dịch. Theo đó, quy mô và mức tăng tuyệt đối năm 2022 vẫn còn thấp, thậm chí chưa bằng mức trước đại dịch (như luân chuyển hành khách năm 2022 mới bằng 69,4% năm 2019).
Quy mô và mức tăng luân chuyển hành khách, hàng hóa còn thấp do gặp khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra.
Ở đầu vào, khó khăn, thách thức lớn nhất là giá xăng dầu tăng (biểu đồ 4).
Giá xăng dầu đã tăng cao trong thời gian dài; việc cung cấp ở trong nước lại có những hạn chế, lúng túng trong một số thời gian ở nhiều địa bàn, kể cả TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Việc ra/vào thị trường của số doanh nghiệp vận tải, kho bãi cũng có vấn đề đáng lưu ý (biểu đồ 5).
Tuy số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới hoặc trở lại hoạt động tăng khá (thành lập mới 7.081 doanh nghiệp, tăng 549 doanh nghiệp, quay trở lại hoạt động 2.826 doanh nghiệp, tăng 779 doanh nghiệp, cộng 1.348 doanh nghiệp), nhưng số doanh nghiệp ngành này tạm ngừng kinh doanh và giải thể còn nhiều (4.808 doanh nghiệp, tăng 27,3% hay tăng 1.032 doanh nghiệp); Đó là chưa kể số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (do không có số liệu).
Ở đầu ra, nhu cầu vận tải tăng, nhưng chưa thật sự phục hồi. Số khách quốc tế đến Việt Nam tăng so cùng kỳ năm trước (năm 2022 có 3661,2 nghìn lượt người, cao gấp 23,3 lần năm 2021) nhưng mới bằng 20,3% năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).
Đáng lưu ý, trong năm 2022, dù phần xuất khẩu dịch vụ vận tải đạt 5,6 tỷ USD, tăng 165,1% so với năm trước, nhưng phần nhập khẩu dịch vụ vận tải lên đến 12,42 tỷ USD, tăng 18,3% và nhập siêu về dịch vụ vận tải lên đến 6820 triệu USD, chiếm 54% tổng nhập siêu về dịch vụ. Xuất khẩu hàng hóa tăng cao về kim ngạch (10,6%) do tăng cả lượng (khoảng gần 3,3%) và đơn giá khoảng 7,09%, cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng về lượng; phần nhập khẩu hàng hóa tăng 8,4%, nhưng hoàn toàn do tăng giá (8,56%), còn lượng hàng hóa bị giảm gần 1%, trong đó lượng một số mặt hàng phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu còn giảm nhiều hơn. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam và lượng du khách Việt Nam ra nước ngoài tăng cao, nhưng phần trong nước đảm nhiệm vận tải còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Đây là điểm yếu của vận tải biển Việt Nam.
Vận tải đường sắt còn yếu kém về hạ tầng; vận tải đường biển còn yếu kém về phương tiện; vận tải đường bộ, đường không, đường thủy nội địa vừa mới tạm qua khó khăn về đại dịch, lại gặp “bão” giá xăng dầu… đang là những khó khăn, thách thức cả về trước mắt và lâu dài.
Năng lực vận tải đường biển nhiều năm ở trạng thái yếu kém, lép vế, “nhường” phần lớn thị phần vận tải, nhất là hàng hóa xuất, nhập khẩu cho nước ngoài...
Quý vị độc giả có thể đặt mua ấn phẩm Kinh tế 2022-2023: Việt Nam và Thế giới tại đây: