Tiềm năng thị trường xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô năm 2024
Kim ngạch xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam đang có xu hướng tăng dần trong vài năm trở lại đây. Nhiều dự báo cho thấy, năm 2024 có thể sẽ là năm bản lề để Việt Nam vươn lên trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh hoạ. Nguồn: THACO.
Trong đó, nhập khẩu 11 tháng ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7%; xuất khẩu 11 tháng ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9%. Như vậy, cán cân thương mại 11 tháng năm 2023 vẫn xuất siêu 25,82 tỷ USD. Dự báo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2023 ước đạt gần 700 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn năm 2021 và các năm trước đó.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang trong xu hướng tăng dần những năm gần đây. Đây là kết quả của quá trình chuyển dịch sản xuất từ các thị trường lớn như Trung Quốc sang các thị trường nhỏ hơn nhưng có tiềm năng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng đang bắt nhịp với nhu cầu sản xuất quy mô lớn và ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù tình hình kinh tế chung năm 2023 bị sụt giảm, nhưng lĩnh vực xuất khẩu vẫn giữ đà tăng trưởng khá tốt, trở thành trụ đỡ cho cán cân thương mại. Điểm sáng tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tháng 11 đạt 8,49 tỷ USD, tăng 13,5%. Mức tăng trưởng này gấp gần 3 lần khu vực FDI, cho thấy doanh nghiệp trong nước đang ngày càng mở rộng sản xuất và hướng đến xuất khẩu.
Trong số 10 nhóm hàng lớn, nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng là một trong số ít đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,01 tỷ USD. Theo các chuyên gia, năm 2024 sẽ là thời cơ “vàng” cho nhóm ngành linh kiện, phụ tùng ô tô phát triển bởi Việt Nam đang hội tụ được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.
Thứ nhất, các cuộc viếng thăm cấp Nhà nước đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam và các nước bạn. Từ ngày 22-24/6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Phu nhân đã đến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước, 17 văn kiện hợp tác đã được ký kết, cùng với nhiều chương trình, hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó, Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt - Hàn sẽ tìm kiếm, đào tạo nhân lực và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành ô tô, bao gồm cơ khí ô tô, khuôn mẫu, linh kiện ngành ô tô...
Trong bối cảnh ngành công nghiệp vận tải xanh và các ngành phụ trợ ngày càng phát triển, Viện Công nghiệp Xe xanh Gwangju (GIGA) và các doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng sẵn sàng tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới, đưa những công nghệ lõi và mong muốn sản xuất trực tiếp "xe xanh" và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam nói chung.
Từ 10-11/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021. Sự kiện diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Hoa Kỳ rất quan tâm đến các lĩnh vực ngành nghề mà Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu như sản xuất ô tô, bán dẫn. Hiện tại, Ford Việt Nam đã trở thành một biểu tượng trong quan hệ đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 208 triệu USD. Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam vào năm 2013, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và thương mại song phương đã tăng gấp 4 lần. Hợp tác thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng trở nên đa dạng hơn khi hai nước ngày càng liên kết với nhau thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mới đây, ngày 12/12/2023, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tới Việt Nam, mở ra nhiều kỳ vọng hợp tác mới giữa hai nước, trong đó có tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng... Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc. Lũy kế 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc đạt 49,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Cũng trong năm 2023, nhiều hãng xe lớn của Trung Quốc giới thiệu mẫu xe mới tại thị trường Việt Nam như Wuling, Haval, Haima, Chery, Lynk & Co...
Thứ hai, Việt Nam có nguồn lao động trẻ năng động, ham học hỏi. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, trong đó khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022 (theo JETRO). Trong những năm qua, các doanh nghiệp của Nhật Bản, đặc biệt là Toyota đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ công nhân, kỹ sư Việt Nam và lan tỏa triết lý kinh doanh tới cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp nội địa đã trở thành nhà cung cấp cho các hãng xe lớn trong và ngoài nước.
Hiện tại, THACO Industries là doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam, với các sản phẩm nhựa cho ngành ô tô như: Cản xe, chụp mâm, lướt gió, ốp khoang hành lý, ốp che két nước, ốp gió xe bán tải và các linh kiện nội - ngoại thất. Thị trường xuất khẩu chính của THACO Industries là Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia.
Với các yếu tố thuận lợi kể trên, các chuyên gia nhận định, thị trường xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô còn nhiều dư địa để phát triển. Trong tương lai, đây sẽ phải là ngành đem lại giá trị xuất khẩu cao trong số các nhóm ngành tỷ USD ở Việt Nam.