Tiền lại “lò dò” bắt đáy, thị trường hồi nhẹ
VN-Index tạo đáy sâu mới trong phiên chiều nay lúc 1h50, giá chạm tới vùng cầu tốt hơn sau đó quay đầu phục hồi. Tuy nhiên lượng tiền đẩy giá cũng rất ít, chủ yếu là một vài cổ phiếu lớn đỡ chỉ số lên, nên độ rộng hầu như không thay đổi và thanh khoản cũng rất kém...
VN-Index tạo đáy sâu mới trong phiên chiều nay lúc 1h50, giá chạm tới vùng cầu tốt hơn sau đó quay đầu phục hồi. Tuy nhiên lượng tiền đẩy giá cũng rất ít, chủ yếu là một vài cổ phiếu lớn đỡ chỉ số lên, nên độ rộng hầu như không thay đổi và thanh khoản cũng rất kém.
Tại đáy, VN-Index giảm hơn 7 điểm và cuối phiên co lại còn giảm 4,64 điểm (-0,37%) so với tham chiếu. Độ rộng tại điểm đáy ghi nhận 172 mã tăng/202 mã giảm nhưng chốt phiên lại là 163 mã tăng/210 mã giảm, dù điểm số tốt hơn. Đây là hiệu ứng của việc nâng trụ, còn cổ phiếu thay đổi ít.
VCB, VRE, CTG, VIC là các trụ nhích giá lên trong khoảng 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên mức độ cải thiện là rất nhẹ, VCB đóng cửa tăng 0,45% so với tham chiếu và trong 30 phút cuối tăng khoảng 0,3%. CTG từ 2h chiều trở đi tăng khoảng 0,43% nhưng đóng cửa vẫn giảm 0,29% so với tham chiếu. VIC cải thiện khoảng 0,59%, quay trở lại tham chiếu cuối ngày… Nhìn chung không có sự đồng thuận rõ nét nào ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng như biên độ phục hồi nhỏ. Điều này chỉ giúp VN-Index hồi lên vài điểm so với đáy trong phiên.
Ngoài nhịp hồi lên nhờ trụ này, nhìn chung thị trường không khác nhiều so với phiên sáng. Việc giá có một nhịp trượt tạo đáy mới nửa đầu phiên chiều chỉ giúp thanh khoản tốt hơn, do bên bán hạ giá xuống vùng có lệnh treo mua dày hơn. Sàn HoSE buổi chiều đã tăng giao dịch khoảng 37% so với phiên sáng, đạt gần 5.297 tỷ đồng. Tính cả HNX, giao dịch khớp lệnh chiều nay tăng 35,8%, đạt 5.649 tỷ đồng.
Đây vẫn là mức giao dịch rất nhỏ, không đủ để phá vỡ trạng thái lình xình hiện có. Thị trường không phải là thiếu tiền, mà là không có động lực để giao dịch. Các nhà đầu tư có thể chấp nhận mua khi giá giảm nhưng chỉ như vậy. Thêm nữa các thông tin hỗ trợ cũng chưa có gì mới. Ngày 17-18/9 (giờ Mỹ) FED sẽ họp bàn lãi suất và thông tin chỉ xuất hiện trước phiên ngày cuối tuần 19/9. Phái sinh cũng sẽ đáo hạn vào phiên này. Do vậy những phiên tới cũng khó có thể thay đổi trạng thái thanh khoản nhỏ như hiện tại.
Dĩ nhiên với độ rộng khá hơn buổi sáng (125 mã tăng/207 mã giảm), vẫn có một số cổ phiếu đi ngược dòng. Tình thế không vẫn không thay đổi nhiều, nhóm tăng giá rất hiếm mã giao dịch mạnh. Trong tổng số 55 mã chốt phiên tăng hơn 1%, có 7 mã thanh khoản quá 100 tỷ đồng và đều là các cổ phiếu tầm trung: HCM tăng 1,21% khớp 405 tỷ; DXG tăng 4,79% khớp 218,9 tỷ; FTS tăng 2,33% khớp 200,3 tỷ; PDR tăng 1,65% với 178,8 tỷ; DIG tăng 1,38% với 144,5 tỷ; NVL tăng 1,32% với 118,4 tỷ; BAF tăng 3,9% với 111,4 tỷ.
Trong bối cảnh dòng tiền tổng thể của thị trường rất kém, những cổ phiếu nói trên thu hút được mức thanh khoản trăm tỷ đồng là một diễn biến ấn tượng. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, đại đa số cổ phiếu giao dịch èo uột với thanh khoản kém. Toàn sàn HoSE hôm nay có 28 cổ phiếu đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì 15 mã tăng, 13 mã giảm và chỉ 7 mã tăng được hơn 1% như mới thống kê ở trên.
Dĩ nhiên hiệu ứng của thanh khoản thấp cũng có điểm tích cực là phía giảm cũng hạn chế về biên độ. Ba mã duy nhất giảm trên 1% với thanh khoản cao nhất là VNM giảm 2,41% khớp 393,2 tỷ; MSN giảm 1,2% với 213,5 tỷ; GAS giảm 2,37% với 156,3 tỷ. 6 mã còn lại khớp được trên 10 tỷ đồng là PVD giảm 1,52%, KBC giảm 1,18%, PC1 giảm 1,21%, TNH giảm 2,77%, KSB giảm 1,64%, CTD giảm 1,12%.
VN-Index chiều nay giảm sâu nhất xuống 1.248,78 điểm, tức là lần thứ 2 trong phiên hôm nay kiểm định mốc 1.250 điểm. Nhịp phục hồi xuất hiện cuối ngày đưa chỉ số quay trở lại lên trên ngưỡng này tiếp tục phát tín hiệu tốt. Giao dịch quanh ngưỡng tâm lý sụt giảm mạnh về thanh khoản cho thấy người cầm cổ đang có kỳ vọng tạo đáy để tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.