Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát chống bán phá giá màng BOPP nhập khẩu
Ngày 4/8/2021, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) ra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát phạm vi hàng hóa đối với việc áp dụng thuế chống bán phá giá một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen (tên thường gọi là màng BOPP) có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia (mã số vụ việc: AD07)…
Trước đó, ngày 20/7/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1900/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), Vương quốc Thái Lan (Thái Lan) và Malaysia (mã số vụ việc: AD07).
Hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá là một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có độ dày từ 10 micron tới 80 micron và độ rộng từ 115mm tới 7800mm, được phân loại theo các mã HS 3920.20.10 và 3920.20.91.
Cơ quan điều tra kết luận có tồn tại hành vi bán phá giá, gây thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia là từ 9,05% - 23,71%.
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức là 5 (năm) năm kể từ ngày Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi theo Quyết định khác của Bộ Công Thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định 1900/QĐ-BCT, Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được phản ánh, kiến nghị của một số doanh nghiệp nhập khẩu liên quan tới phạm vi hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá trong vụ việc AD07.
Căn cứ quy định tại Mục 4 Chương IV Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, để có cơ sở rà soát, đánh giá lại phạm vi sản phẩm trong vụ việc này, các tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 70 Nghị định 10/2018/NĐ-CP có thể nộp hồ sơ đề nghị rà soát phạm vi hàng hóa.