Tổng giám đốc Samsung Việt Nam: “Thông tin Samsung chuyển dây chuyền smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật”
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định vậy trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mới đây…
Tại buổi làm việc ông Choi Joo Ho cho biết trong suốt thời gian gần 10 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh, Samsung luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành của các cấp, ngành và người dân tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Từ một dự án ban đầu là Công ty Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT) được khởi công tháng 3/2013, với số vốn 2 tỷ USD, chỉ sau một năm, dự án đã tăng thêm 3 tỷ USD. Liên tục sau đó, Samsung giữ lời hứa thực hiện cam kết tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất.
Gần đây nhất, Samsung đã tăng vốn thêm 1.187 triệu USD vào Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư của Tập đoàn tại Thái Nguyên lên hơn 7,5 tỷ USD. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn Samsung tại tỉnh Thái Nguyên cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì sản xuất ổn định hoặc tăng trưởng cao hơn so với năm 2022 và nghiên cứu tiếp tục đầu tư sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào tháng 5 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/ 2023. Năm 2023, Samsung tại Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng 5%.
Liên quan đến thông tin gần đây về việc Samsung chuyển dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ, ông Choi Joo Ho khẳng định là không đúng sự thật.
Vị này cũng cho biết những sản phẩm được sản xuất ở Ấn Độ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và một phần nhỏ xuất khẩu sang các quốc gia Châu Phi, còn tại Việt Nam thì xuất khẩu sang 128 quốc gia trên thế giới. Như vậy sản lượng của Nhà máy Samsung tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sản lượng ở Ấn Độ”.
Về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho hay để tránh ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của Samsung Việt Nam, Tập đoàn Samsung mong muốn Chính phủ Việt Nam nhanh chóng xem xét và có giải pháp về nội dung này.
Trước các kiến nghị của Samsung Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn hỗ trợ, đồng hành để đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong việc xây dựng cơ chế thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, sớm tháo gỡ khó khăn của Samsung tại tỉnh Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, sự có mặt của Samsung đã có những đóng góp lớn, tác động mạnh mẽ đến định hướng phát triển nền công nghiệp theo hướng hiện đại của tỉnh, cũng như ảnh hưởng tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã góp phần đưa các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu của tỉnh luôn nằm trong top đầu cả nước; các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách… cũng đạt được kết quả rất ấn tượng trong những năm gần đây.
Cuối năm 2022, Tập đoàn Samsung cũng đã chính thức khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2 và diện tích sàn là 79.511 m2. Việc đưa vào hoạt động trung tâm này, Samsung trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn.
Đến thời điểm hiện tại, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Samsung cũng đang phát triển và kiểm định phần mềm (S/W) của thiết bị di động và network tại Việt Nam.
Samsung cũng cho biết trong thời gian tới hãng có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu.