TP Hồ Chí Minh: Tổng phản công để kiểm soát dịch vào tháng 8
Diễn biến dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang phức tạp, còn nhiều ca nhiễm đang điều tra dịch tễ. Với chiến lược kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả trong tấn công chống dịch, hy vọng sang tháng 8 TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát được dịch bệnh
TP.HCM đang vào đợt cao điểm (từ 29/6 đến 10/7/2021) thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Cần phải thấy rằng TP.HCM trong đợt bùng phát dịch lần này luôn gồng mình bám sát tình hình dịch bệnh để đưa ra những giải pháp phù hợp.
CHƯA CÓ VACCINE THÌ CHƯA THỂ “SỐNG CHUNG VỚI LŨ”
Từ ba ca chỉ điểm đâu tiên vào thăm khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) vào ngày 26/5/2021, thì ổ dịch tại nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được phát hiện. Sau đó 8 ngày, số ca theo chuỗi lây nhiễm này tăng lên đến 265 ca nhiễm. Từ ngày 31/5/2021, TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15.
Với sự tích cực truy vết của TP.HCM, hai tuần sau, số ca theo chuỗi nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng giảm. Nhưng số ca lây nhiễm trong thành phố không rõ nguồn lây có xu hướng tăng lên trong những ngày đầu tháng 6.
Vì thế, ngày 14-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa. Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) dừng thực hiện Chỉ thị 16, các chốt kiểm soát tại 2 khu vực này được gỡ bỏ.
Lúc này, ở phía Bắc tỉnh Bắc Giang tháng 6 đang là tâm dịch với số ca lây nhiễm do Bộ y tế công bố luôn tăng hơn TP.HCM. Đến ngày 17/6 Bắc Giang có 327 ca, TP.HCM là 127 ca; sang ngày 18/6 TP.HCM vượt Bắc Giang. Hiện số ca ở Bắc Giang đã được kiểm soát giảm dần xuống một con số.
Còn diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM vẫn phức tạp, nên ngày 19/6/2021, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Trong 10 ngày thực hiện các biện pháp tăng cường chống dịch theo Chỉ thị 10, TP.HCM ghi nhận hơn 1.900 bệnh nhân mắc Covid-19, cho thấy "sức nặng" của Chỉ thị này vẫn chưa đủ để ngăn chặn biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2. Và điều đó cho thấy, nếu không có những biện pháp phòng chống tích cực theo các chỉ thị trên thì chủng virus này sẽ lây lan mạnh như thế nào tại thành phố có 13 triệu dân.
Hiện vẫn chưa thấy số liệu công bố chính thức từ Bộ Y tế về tỷ lệ số ca nhiễm không triệu chứng tự khỏi, số ca nặng phải điều trị tích cực tại bệnh viện nên rất khó để điều chỉnh chiến lược điều trị cũng như có thể giảm bớt sự truy vết, khoanh vùng.
Vì thế, phương án "sống chung với lũ" chỉ có thể áp dụng khi nhiều người dân được tiêm vaccine. Nếu không, sẽ phải chịu những tổn thất rất nặng nề về sức khỏe, tính mạng người dân. Bởi ngay trong những lần dịch đạt đỉnh cũng vẫn chưa khẳng định đã đạt miễn dịch tự nhiên.
CUỐI THÁNG TÁM, TP.HCM KIỂM SOÁT ĐƯỢC DỊCH BỆNH
Để đảo ngược thế trận chống dịch đang bị động như vậy, ngày 29/6, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo mở chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, phát hiện các ca F0 trong cộng đồng.
Vũ khí "5K + vắc-xin", xét nghiệm rộng toàn thành phố, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Chủ động và đẩy mạnh tầm soát xét nghiệm diện rộng trên địa bàn TP, tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại các quận, huyện đang có nhiều ca nhiễm như: quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Binh Chánh.
Tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày, phân tích tình hình các ca F0 và các F1 để xác định nguyên nhân (do ủ bệnh hay do lây nhiễm chéo); trường hợp test nhanh âm tính thì tiến hành xét nghiệm mẫu gộp 5, 10 bằng Realtime-PCR; phấn đấu thực hiện 1 triệu mẫu gộp/ngày.
Tăng cường lấy mẫu và xét nghiệm sàng lọc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn hoàn thành trước ngày 4-7. Tổ chức triển khai tự test nhanh Covid-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao dộng 1 lần/tuần.
Tăng cường năng lực điều trị tại các cơ sở y tế. Chủ động sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống TP.Hồ Chí Minh có 10.000 ca nhiễm. Đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine, giao Tổ Công tác đàm phán và mua vaccine TP.HCM, chậm nhất trong cuối quý III năm 2021 phải tiếp nhận lô vaccine đầu tiên. Phấn đấu đến cuối năm 2021, có 2/3 người dân TP được tiêm vaccine. Với sự tích cực như vậy cùng với việc tuân thủ các chỉ thị chống dịch của TP.HCM hy vọng đến cuối tháng 8 dịch bệnh sẽ được kiểm soát.
Đó cũng là kết quả dự báo của hai nhóm nghiên cứu độc lập là Tech4Covid và nhóm Đại học Fullbright. Hai nhóm này đều lấy dữ liệu thực tế từ cuộc chống dịch tại TP.HCM cũng như chiến lược mà TP.HCM đang áp dụng. Điều thú vị là cả hai nhóm đều nêu điều kiện liên quan đến việc thực hiện tốt Chỉ thị số 10 và theo cả hai nhóm thì ca F0 cộng đồng đang có xu hướng đạt đỉnh.