“Trung Quốc buộc phải tiếp tục Zero Covid vì không có lựa chọn khác”
Đây là nhấn mạnh của một chuyên gia hàng đầu về chiến lược ứng phó Covid-19 của Trung Quốc...
Theo ông Liang Wannian, trưởng nhóm chuyên gia về ứng phó Covid-19 của Chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh buộc phải kiên định với chiến lược Zero Covid (không Covid) năng động do tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người cao tuổi thấp và thiếu nguồn lực y tế.
“Trung Quốc buộc phải tiếp tục Zero Covid vì không có lựa chọn khác. Chiến lược Zero Covid giống như bảo hiểm với 1,4 tỷ dân trước những mối nguy hiểm do biến chủng Omicron gây ra”, ông Liang nói tại một sự kiện vào cuối tuần trước. "Những rủi ro này đã làm phát sinh 'chi phí bảo hiểm' cho đất nước, bao gồm vaccine, xét nghiệm hàng loạt và xây dựng bệnh viện dã chiến".
Theo ông Liang, chính sách này là hướng dẫn chung và các biện pháp cụ thể có thể được điều chỉnh theo thời gian. Dù vậy, điểm cốt lõi của chính sách này là nhanh chóng phát hiện các đợt bùng phát dịch và thực hiện một loạt biện pháp cấp bách để chặn đứng sự lây lan và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
“Điều quan trọng là nhận diện và quản lý hiệu quả nguồn lây, chặn đứng chuỗi lây lan và bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương để dịch bệnh không bùng phát trở lại trên quy mô lớn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng cần phải cân bằng giữa việc phòng chống dịch và đời sống sinh hoạt của người dân, bao gồm nhu cầu được chăm sóc y tế.
“Cần có một cơ chế khẩn cấp, các kênh cung cấp nhu yếu phẩm hợp lý và nguồn dự trữ đồ dùng y tế để phòng chống dịch, bao gồm khẩu trang, máy thở và các công cụ khác như xét nghiệm axit nucleic, trung tâm cách ly, phương tiện vận chuyển”, ông nói.
Trải qua những tuần phong tỏa kéo dài, nhiều người dân tại thành phố Thượng Hải – nơi đang trải qua làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất Trung Quốc – đã phàn nàn về tình trạng thiếu thực phẩm, cách quản lý thiếu hợp lý và sự bất tiện do các biện pháp hạn chế phòng dịch tại đây. Cũng xuất hiện một số thông tin nói rằng có người dân tử vong do không được chăm sóc y tế kịp thời bởi không có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Cuối tuần qua, nhiều người dân cũng phản ánh tình trạng một số khu vực tại Thượng Hải ra lệnh “cách ly cứng” bằng cách phong tỏa các khu dân cư bằng hàng rào thép và chỉ cho nhân viên y tế ra vào qua một cửa khẩn cấp.
Tuy nhiên, ông Liang một lần nữa nhấn mạnh rằng một dù phần lớn bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron chỉ có triệu chứng nhẹ, Trung Quốc sẽ đối mặt “một thảm họa khủng khiếp” nếu nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Tính tới cuối tuần trước, khoảng 81% người cao tuổi tại Trung Quốc đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.
“Một khi chúng ta nới lỏng kiểm soát, virus sẽ lây lan rộng và xuất hiện các ca bệnh nặng và tử vong ở nhóm người cao tuổi”, vị chuyên gia nói. “Số lượng ca bệnh nặng lớn sẽ gây áp lực với hệ thống y tế và nhân viên y tế sẽ nhiễm bệnh, không thể cung cấp dịch vụ y tế. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn”, ông nói.
Trước đây, ông Liang cũng như nhiều quan chức y tế khác của Trung Quốc từng nhiều lần nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chỉ cân nhắc điều chỉnh chiến lược chống dịch nghiêm ngặt của mình khi điều kiện chung ở trong nước và trên thế giới thay đổi, bao gồm việc có các công cụ chống virus tốt hơn, các biến chủng virus ít nghiêm trọng trở nên phổ biến hơn và đại dịch bớt nghiêm trọng hơn ở những quốc gia khác.
Trong một bài đăng ngày 23/4, tờ Nhân dân Nhật Báo của nước này cũng nhấn mạnh quan điểm của ông Liang, nói rằng chiếc lược Zero Covid năng động có chi phí tổng thể thấp nhất và là lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
“Trong ngắn hạn, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội nhưng trong dài hạn, hi sinh sự thuận tiện tạm thời để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và lâu dài”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết.