Trung Quốc có thể áp mức lương trần lên ngành tài chính
Theo nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đang có kế hoạch áp mức trần đối với lương thưởng hàng năm của nhân viên các công ty tài chính ở mức khoảng 3 triệu nhân dân tệ (412.460 USD)...
Kế hoạch áp mức lương trần được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến dịch xóa bỏ chủ nghĩa xa hoa và hưởng thụ trong lĩnh vực tài chính, đồng thời thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội giữa lúc tăng trưởng kinh tế suy yếu – nguồn tin thân cận của SCMP cho biết.
Mức lương trần trên sẽ áp dụng với tất cả các công ty môi giới, quỹ tương hỗ và ngân hàng có vốn đầu tư nhà nước, không áp dụng với các tổ chức tư nhân. Quy định này sẽ có hiệu lực trở về trước, tức là những người đã nhận mức lương thưởng trên 3 triệu nhân dân tệ trong vòng vài năm qua có thể sẽ phải trả lại khoản tiền thừa cho công ty.
Đây là động thái mới nhất trong loạt biện pháp được triển khai theo sáng kiến vì sự “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đó tập trung việc phân phối tài sản đồng đều trong bối cảnh đất nước đối mặt khó khăn kinh tế.
Vốn được xem là lĩnh vực “tinh hoa” ở Trung Quốc, ngành tài chính bắt đầu bị các nhà hoạch định chính sách “sờ gáy” kể từ năm 2022, khi một chuyên viên giao dịch trẻ tuổi tại công ty China International Capital Corp khoe tiền lương trên mạng xã hội và vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của công chúng. Làn sóng này nhanh chóng kéo theo một loạt các cuộc điều tra về tham nhũng liên quan tới các nhà quản lý cấp cao cũng như lãnh đạo doanh nghiệp.
“Ngành tài chính thực tế không đóng góp nhiều cho nền kinh tế thực những năm gần đây và hình ảnh của ngành này cũng không được tốt đẹp trong mắt công chúng”, ông Dai Ming, quản lý quỹ tại Huichen Asset Management có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét.
Theo ông Dai, quy định về mức lương trần với ngành tài chính có thể cũng là một cách giúp các chníh quyền địa phương ở Trung Quốc giải tỏa áp lực tài chính trong bối cảnh thu thuế và nguồn thu từ đất giảm.
Áp lực tài chính khiến nhiều chính quyền địa phương tiến hành truy thu thuế của doanh nghiệp từ nhiều năm về trước. Tháng trước, nhiều công ty niêm yết Trung Quốc cho biết họ bị truy thu thuế từ nhiều năm trước, có trường hợp tới 30 năm.
Về phía doanh nghiệp, một số công ty tài chính lớn, bao gồm các quỹ tương hỗ hàng đầu, đã siết chặt việc hoàn tiền chi phí (cho các chi tiêu trong công việc, công tác) cho nhân viên bởi đây là một phương thức ngầm để chi trả lương cho nhân viên nhằm tránh sự giám sát của cơ quan quản lý.
Theo nguồn tin của SCMP, một số công ty môi giới lớn đã áp dụng mức lương trần, trong khi một số khác chưa có kế hoạch này.
Những năm gần đây, ngành tài chính Trung Quốc đối mặt sự giám sát nghiêm ngặt của nhà chức trách. Đây là một phần của chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh.
Năm nay, hơn 30 quan chức trong lĩnh vực này đã bị điều tra, trong đó trường hợp mới nhất là người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán chi nhánh Giang Tô. Năm 2023, ít nhất 101 quan chức tài chính bị điều tra, bao gồm ông Liu Liange – cựu Chủ tịch ngân hàng Bank of China và Li Xiaopeng – cựu Chủ tịch China Everbright Group.
Bên cạnh hoạt động giám sát của chính phủ, lợi nhuận suy giảm do thị trường chứng khoán đi xuống và khủng hoảng bất động sản cũng là khiến nhiều công ty tài chính thắt chặt chi tiêu, ngừng tăng lương và giảm thưởng cho nhân viên.
Theo dữ liệu do SCMP và Wind Information thu thập, năm 2023, ngành môi giới Trung Quốc ghi nhận năm thứ 2 giảm lương liên tiếp, với mức sa thải ở 10 công ty môi giới lớn nhất giao động từ 1,2-27% tổng nhân sự. Mức lương bình quân tại Citic Securities, công ty môi giới lớn nhất Trung Quốc, đã giảm 5,3% xuống còn 792.000 nhân dân tệ trong năm ngoái, riêng lương thưởng cho chủ tịch Zhang Youjun giảm từ 5,6 triệu nhân dân tệ xuống còn 5,05 triệu nhân dân tệ.
Theo khảo sát của của SCMP với 51 công ty môi giới niêm yết Trung Quốc, lợi nhuận quý 1 của các công ty này giảm bình quân 23% so với cùng kỳ năm ngoái do doanh thu mảng ngân hàng đầu tư sụt giảm. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của 37 ngân hàng niêm yết giảm bình quân 0,7%.
“Từ góc độ của công chúng, việc giảm lương và áp lương trần với lĩnh vực tài chính là hợp lý và chính đáng”, ông Wang Chen của Xufunds Investment Management nói. “Biên lợi nhuận của các công ty tài chính liên tục giảm những năm gần đây, vì vậy mức lương của ngành này nên trở về mức bình quân của xã hội”.