Vì sao nhập khẩu thép cuộn cán nóng gia tăng?
Nhu cầu thép cuộn cán nóng tại Việt Nam hiện đang ở mức 12 - 13 triệu tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước chỉ sản xuất được tối đa là 8,2 triệu tấn/năm. Như vậy, sản lượng thiếu hụt sẽ phải nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp trong nước sử dụng loại thép này…
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước, trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.
Tính chung 6 tháng năm 2024, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.
Lý giải nguyên nhân lượng thép HRC nhập khẩu tăng mạnh, trong đơn kiến nghị gửi Bộ Công Thương mới đây, tập thể 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép trong nước, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen; Công ty Cổ phần Thép TVP; Công ty cổ phần Tôn Đông Á; Công ty Cổ phần Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; Công ty Cổ phần Thép Bình Dương; Công ty TNHH Sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương và Công ty Cổ phần Thép Việt Thành Long An cho biết là do tình trạng nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.
Nhu cầu HRC của Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 11.525.018 tấn và 11.593.973 tấn. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam của 2 doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa hiện nay chỉ là 8,2 triệu tấn/năm. Giả định Hòa Phát và Formosa sản xuất tối đa công suất và chỉ bán HRC nội địa, không xuất khẩu HRC thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam.
Trên thực tế, Hòa Phát và Formosa sản xuất HRC nhưng không phải chỉ bán HRC tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu HRC với sản lượng lớn. Số liệu từ Báo cáo Hiệp hội Thép cho thấy Hòa Phát và Formosa đã tăng mạnh lượng xuất khẩu HRC trong năm 2023 so với năm 2022, từ đó khiến cho lượng bán HRC tại thị trường nội địa bị giảm mạnh.
Cụ thể, tổng lượng bán HRC của Hòa Phát và Formosa trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 6.192.018 tấn và 6.808.337 tấn. Trong đó, sản lượng HRC xuất khẩu của Hòa Phát và Formosa trong năm 2022 và 2023 tăng mạnh, lần lượt là 1.304.198 tấn và 3.405.633 tấn, tăng 2.101.435 tấn.
Vì Hòa Phát và Formosa tăng sản lượng HRC xuất khẩu nên sản lượng HRC bán tại thị trường nội địa trong năm 2023 đã giảm mạnh so với năm 2022. Cụ thể, nguồn cung HRC nội địa trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 4.887.820 tấn và 3.402.704 tấn, giảm 1.485.116 tấn và chỉ đáp ứng được lần lượt là 42% và 29% nhu cầu HRC tại Việt Nam. Hệ quả tất yếu là nguồn cung HRC nội địa vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam lại càng thiếu hụt nghiêm trọng hơn nữa.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu HRC tại Việt Nam lần lượt là 4.992.657 tấn và 7.429.755 tấn, tăng 2.437.098 tấn so với 06 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, nguồn cung HRC nội địa trong 06 tháng đầu năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 1.696.004 tấn và 2.131.026 tấn, tăng nhẹ 435.022 tấn so với 06 tháng đầu năm 2023 và chỉ đáp ứng được lần lượt là 34% và 29% tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam, giảm 5% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 3.296.653 tấn và 5.298.739 tấn, tăng 2.002.076 tấn so với 06 tháng đầu năm 2023 là tất yếu vì trong khi tổng nhu cầu HRC trong 06 tháng đầu năm 2024 tăng 2.437.098 tấn so với 06 tháng đầu năm 2023, nguồn cung HRC nội địa chỉ tăng 435.022 tấn, thì lượng HRC nhập khẩu tất yếu phải tăng 2.002.076 tấn (= 2.437.098 tấn - 435.022 tấn) để đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.
Hiện nay, các quốc gia khác, ví dụ Ấn Độ ban hành chính sách giảm sản lượng thép xuất khẩu nên lượng HRC từ các quốc gia khác nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác giảm 165.632 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Do đó, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bắt buộc phải tăng cường nhập khẩu HRC từ Trung Quốc để: (1) đáp ứng nhu cầu tăng nhập khẩu 2.002.076 tấn HRC do nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu, và (2) bù đắp cho mức giảm nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là 165.632 tấn. Hệ quả tất yếu là lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong 06 tháng đầu năm 2024 đã tăng 2.167.708 tấn (= 2.002.076 tấn + 165.632 tấn) so với 06 tháng đầu năm 2023 để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.
Nhìn vào thực trạng nhập khẩu HRC, một số chuyên gia trong ngành thép cho rằng dù Việt Nam đã sản xuất được sản phẩm HRC, nhưng thực tế vẫn không đủ để đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm, nhưng công suất của các nhà máy sản xuất HRC trong nước hiện chỉ đạt 8,2 triệu tấn/năm. Như vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu HRC để đáp ứng nhu cầu trong nước. Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc sẽ giải quyết trước mắt nhu cầu thiếu hụt nguồn cung từ sản xuất trong nước và lượng nhập khẩu HRC từ các thị trường truyền thống khác.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong tương lai gần, ngành thép nội địa vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc do quy mô sản xuất nhỏ và chi phí sản xuất vẫn còn cao nếu so sánh với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Đồng thời, có nhiều sản phẩm thép trong nước vẫn đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp thép trong nước vẫn chỉ có khả năng sản xuất các sản phẩm thép cơ bản, phục vụ ngành bất động sản và chưa có khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao. Phải mất từ 5 – 10 năm nữa, Việt Nam mới có khả năng sản xuất các sản phẩm thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo, như thép làm vỏ ô tô, thép làm vỏ tàu…
Trước hiện tượng gia tăng đột biến của thép nhập khẩu HRC vào thị trường Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị cơ quan nhà nước tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, góp phần tạo nên môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, kiến nghị này của Hiệp hội Thép không nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội khi có 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép liên tục gửi các lập luận phản biện đến Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại và các cơ quan chức năng có liên quan.
Thép cuộn cán nóng (HRC) là sản phẩm đặc biệt quan trọng đối với ngành thép, là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.