Vì sao thị trường đồ hiệu ở Trung Quốc tăng bùng nổ trong đại dịch?

Bình Minh
Chia sẻ

Thị trường đồ hiệu ở Trung Quốc đã chứng tỏ được khả năng tăng trưởng “không cản nổi” trong năm nay

Một cửa hiệu của Gucci ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Một cửa hiệu của Gucci ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường đồ hiệu ở Trung Quốc đã chứng tỏ được khả năng tăng trưởng "không cản nổi" trong năm nay, giữa lúc đại dịch Covid-19 gây sụt giảm nhu cầu của thế giới đối với những mặt hàng xa xỉ.

Hãng tin CNN dẫn một báo cáo ra ngày 16/12 của nền tảng mua sắm trực tuyến TMall thuộc Alibaba và công ty tư vấn Bain cho biết, thị trường đồ hiệu ở Trung Quốc có thể ghi nhận mức tăng trưởng 48% trong năm nay so với năm ngoái, đạt doanh số 346 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 52,9 tỷ USD.

"GIẢI MÃ" MỨC TĂNG BÙNG NỔ

Nhờ mức tăng trưởng trên, tỷ trọng của Trung Quốc đại lục trên thị trường đồ hiệu toàn cầu sẽ đạt mức 20% trong năm nay, tăng gần gấp đôi so với mức 11% của năm ngoái, theo báo cáo trên.

"Trung Quốc đại lục là thị trường hàng hiệu lớn duy nhất có được sự tăng trưởng trong 2020", chuyên gia Bruno Lannes của Bain nói với CNN. "Thị trường hàng hiệu ở Trung Quốc đã trở nên lớn hơn bao giờ hết".

Tuy nhiên, đây không phải là một tin vui hoàn toàn đối với các hãng sản xuất đồ hiệu. Sự bùng nổ của thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc chẳng qua đến từ chi tiêu của những vị khách vốn thường mạnh tay mua sắm trong những kỳ nghỉ ở nước ngoài. Năm nay, đại dịch khiến những chuyến đi như vậy không thể diễn ra, nên họ đành mua sắm đồ hiệu trong nước.

Tính chung, số tiền mà người tiêu dùng Trung Quốc chi cho hàng hiệu trong năm nay giảm khoảng 35% so với năm ngoái, theo Bain và TMall.

"Tỷ trọng của Trung Quốc đại lục trong mua sắm hàng xa xỉ trên toàn cầu trong năm nay đạt mức cao chưa từng thấy", báo cáo viết. "Nhưng tăng trưởng của thị trường hàng hiệu ở Trung Quốc đại lục không đủ để bù đắp cho sự giảm mua những mặt hàng này ở nước ngoài của người tiêu dùng Trung Quốc".

Báo cáo dự báo thị trường hàng hiệu toàn cầu sẽ giảm 23% trong năm nay, do đại dịch tiếp tục gây hạn chế đối với hoạt động đi lại và mua sắm ở nhiều nơi.

Dù là quốc gia đầu tiên phát hiện virus corona chủng mới, Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát được đại dịch, nhờ đó đưa nền kinh tế hồi phục. Từ tháng 4, người tiêu dùng nước này bắt đầu mua mạnh trở lại những sản phẩm hàng hiệu gồm túi xách, giày dép và trang sức, mang lại tia hy vọng cho những hãng đồ hiệu vốn đang đương đầu với sự lao dốc của doanh thu tại nhiều thị trường khác.

Hạn chế đi lại là một nguyên nhân chính giúp doanh số bán đồ hiệu ở Trung Quốc tăng mạnh. Một nhân tố khác là sự giải phóng của nhu cầu bị kìm nén trước đó, khi người tiêu dùng ở Trung Quốc bắt đầu được đi mua sắm trở lại sau những tuần phong tỏa. Doanh số tại thị trường Trung Quốc của những nhà bán lẻ hàng xa xỉ như Tiffany và Burberry nhờ đó đồng loạt tăng.

NHỮNG XU HƯỚNG ĐƯỢC ĐẨY NHANH TRONG ĐẠI DỊCH

Trong dự báo lợi nhuận đưa ra hồi tháng 10, tập đoàn đồ hiệu lớn nhất thế giới LVMH nhấn mạnh "lực cầu lớn đến từ Trung Quốc đại lục".

"Từ góc nhìn về nhu cầu, chúng tôi thấy không có gì đáng lo, mà chúng tôi rất hài lòng với sự thay đổi đó", Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony của LVMH phát biểu. "Nhưng ở thời điểm hiện tại, có nhiều hạn chế lớn đối với khả năng người tiêu dùng Trung Quốc có thể mua sắm ở nước ngoài. Điều này chắc chắn sẽ gây sức ép lên tăng trưởng của công ty trong những quý sắp tới".

Đại dịch đã đẩy nhanh những xu hướng dài hạn đã có từ trước.

Từ trước khi Covid-19 xuất hiện, người tiêu dùng ở Trung Quốc đại lục đã tăng mua sắm đồ hiệu tại thị trường trong nước, nhất là khi họ không muốn sang Hồng Kông để mua sắm vì ngại những cuộc biểu tình lớn ở Hồng Kông. Ngoài ra, các hãng đồ hiệu cũng thu hẹp độ chênh cao hơn của giá bán sản phẩm giữa thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Bên cạnh đó, đại dịch khuyến khích nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến, ngay cả khi họ mua đồ hiệu. Xu hướng này có thể duy trì ngay cả khi đại dịch kết thúc. Theo báo cáo của Bain và TMall, gần 40% người tiêu dùng Trung Quốc có dự định mua hàng xa xỉ qua mạng nhiều hơn tron mấy năm tới, 40% khác nói sẽ duy trì cách mua như hiện nay.

"Chúng tôi tin rằng hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng hiệu đã vĩnh viễn thay đổi", báo cáo viết.

Thị trường đồ hiệu ở Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm tới, nhưng mức tăng sẽ không mạnh như trong năm nay. Hầu hết các thương hiệu dự báo thị trường này sẽ tăng khoảng 30% trong 2021, khi hoạt động đi lại trên toàn cầu dần được nối lại, theo báo cáo trên. Trong những năm tới, khi các hoạt động trở lại bình thường, tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong tổng doanh thu đồ hiệu toàn cầu có thể chững hoặc giảm.

Tuy nhiên, sau 5 năm nữa, Trung Quốc có thể sẽ trở thành thị trường đồ hiệu lớn nhất thế giới về doanh số, vượt qua châu Âu và Mỹ.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con