Vì sao vụ vỡ nợ của Nga không gây sóng gió trên thị trường toàn cầu?

An Huy
Chia sẻ

Hầu như không có một phản ứng nào của giới đầu tư toàn cầu với vụ vỡ nợ của Nga, ít nhất trong 2 phiên giao dịch đầu tuần...

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg.

Đầu tuần này, Nga có vụ vỡ nợ quốc tế đầu tiên kể từ thời cách mạng vô sản, vì không trả được tiền lãi của hai lô trái phiếu khi hết thời gian ân hạn 30 ngày vào hôm Chủ nhật. Tuy nhiên, thị trường tài chính toàn cầu gần như không có phản ứng gì với vụ vỡ nợ này của Nga.

Trước lần vỡ nợ này, Nga đã có một cuộc vỡ nợ trái phiếu nội tệ phát hành trong nước vào năm 1998 và phải phá giá đồng Rúp. Ở thời điểm đó, vụ vỡ nợ của Nga đã gây nên tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính nước này, đẩy lạm phát tăng vọt, kinh tế suy thoái, và loạt ngân hàng sụp đổ.

Không chỉ có vậy, vụ vỡ nợ năm 1998 của Nga còn ảnh hưởng lan rộng trên thị trường tài chính thế giới. Các thị trường mới nổi chứng kiến sự rút vốn mạnh mẽ và các nhà đầu tư Mỹ càng thêm phần hoảng sợ khi có tin quỹ phòng hộ Long-Term Capital Management ngấp nghé bờ vực sụp đổ vào tháng 9 năm đó.

Nhưng lần này, câu chuyện hoàn toàn khác. Hầu như không có một phản ứng nào của giới đầu tư toàn cầu với vụ vỡ nợ của Nga, ít nhất trong 2 phiên giao dịch đầu tuần.

Theo trang CNN Business, có ba lý do dẫn tới sự “thờ ơ” này của thị trường với tin Nga vỡ nợ:

Thứ nhất, vụ vỡ nợ của Nga không nằm ngoài dự báo của thị trường. Thông tin nhà đầu tư nước ngoài không được thanh toán khoản 100 triệu USD tiền lãi trái phiếu ngoại tệ do Chính phủ Nga phát hành không phải là một cú sốc. Thay vào đó, đây là việc đã được lường trước vì hơn một nửa dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây và Mỹ đã chấm dứt một biện pháp miễn trừ trước đó cho phép Moscow thanh toán cho các trái chủ Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã khiến cho việc thực hiện các nghĩa vụ nợ của Nga trở nên khó khăn hơn bằng cách trừng phạt Cơ quan Lưu ký thanh toán Quốc gia Nga – đơn vị giữ vai trò đại lý cho trái phiếu ngoại tệ của Chính phủ nước này.

Thị trường đã chuẩn bị tin thần cho ngày Nga lâm vào cảnh vỡ nợ, thể hiện qua việc giá trái phiếu của Nga giảm sâu. Đối với nhiều nhà đầu tư, vụ vỡ nợ của Moscow thậm chí đã diễn ra từ trước rồi. Hồi tháng 4, tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P cho rằng Nga đã “vỡ nợ một phần” khi nước này đề nghị dùng đồng Rúp thay vì USD trả nợ trái phiếu quốc tế.

“Nga có lẽ đã vỡ nợ từ tháng 3 hoặc tháng 4”, chiến lược gia Timothy Ash của BlueBay Asset Management phát biểu.

Thứ hai, giới đầu tư không dính líu nhiều đến nợ Nga. Sau năm 1998, các nhà đầu tư nước ngoài đã không có nắm giữ nhiều nợ Nga như trước. Xu hướng này càng được đẩy nhanh sau khi Moscow bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập bán đảo Crimea.

“Rủi ro địa chính trị liên quan đến Nga đã gia tăng kể từ năm 2014”, ông Ash nói.

Các thị trường mới nổi trên toàn cầu cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua, khiến sức nặng tương đối của Nga giảm bớt. Điều này giúp làm giảm mối lo ngại về ảnh hưởng lây lan của sự suy giảm kinh tế Nga, dù dây vẫn luôn là một rủi ro đối với thế giới.

Và thứ ba, cuộc khủng hoảng ở Nga đã và đang ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu theo những cách khác. Thị trường tài chính thế giới có thể không hoảng sợ vì Nga vỡ nợ, nhưng đã có phản ứng với chiến tranh Nga-Ukraine. Phản ứng này thể hiện qua việc giá lương thực-thực phẩm và giá xăng dầu leo thang mạnh, khiến lạm phát ở nhiều quốc gia tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Lạm phát cao buộc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, gây áp lực giảm lên thị trường chứng khoán. Giới đầu tư hiện đang lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải tăng lãi suất nhanh như thế nào để chống lại sự leo thang của giá cả.

Điều kiện tài chính thắt lại đã khiến chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ mới đây rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) - giảm hơn 20% so với mức kỷ lục thiết lập hồi đầu năm. Chỉ số CNN Business Fear & Greed Index đo nỗi sợ hãi và lòng tham ở Phố Wall hiện đang chìm sâu trong trạng thái “sợ hãi”. Cách đây hơn 1 tuần, chỉ số này thậm chí rơi vào trạng thái “cực kỳ sợ hãi”.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con