VIC “còng lưng” đỡ chỉ số không nổi, cổ phiếu giảm giá la liệt
Sau vài nhịp trồi sụt, cuối cùng VN-Index cũng trượt hẳn xuống dưới tham chiếu bất chấp những nỗ lực tăng giá của VIC. Độ rộng quá hẹp phản ánh áp lực giảm giá đang lan rộng với cổ phiếu, dù chỉ số chưa thật sự lao dốc mạnh...
Sau vài nhịp trồi sụt, cuối cùng VN-Index cũng trượt hẳn xuống dưới tham chiếu bất chấp những nỗ lực tăng giá của VIC. Độ rộng quá hẹp phản ánh áp lực giảm giá đang lan rộng với cổ phiếu, dù chỉ số chưa thật sự lao dốc mạnh.
Thay đổi trong độ rộng thị trường tiếp tục là tín hiệu đáng chú ý nhất. Bất chấp VN-Index xanh đỏ liên tục phiên sáng nay, số lượng cổ phiếu giảm giá lúc nào cũng nhiều hơn tăng.
VN-Index có 3 nhịp tăng qua tham chiếu với biên độ tăng cao nhất 0,17%, nhưng thời điểm độ rộng tốt nhất lúc 9h25 (đỉnh đầu tiên) cũng chỉ là 107 mã tăng/176 mã giảm. Càng về cuối phiên, cổ phiếu giảm giá càng nhiều, cho đến trước giờ nghỉ, VN-Index chỉ có 107 mã tăng/328 mã giảm.
Trong số giảm, có 135 mã đang bốc hơi từ 1% trở lên. Đây cũng không phải là số lượng quá nhiều, nhưng biên độ giảm tăng dần theo thời gian là tín hiệu đáng chú ý, vì thể hiện tâm lý đang kém dần. Điểm tựa vẫn còn, là mức giảm ở chỉ số chưa nhiều. VN-Index kết phiên mới để mất 2,94 điểm tương 0,23% so với tham chiếu.
Nỗ lực tăng giá ngược dòng của VIC rất đáng ghi nhận, vì hiện cũng chỉ còn trụ này là chưa tăng nhiều trong suốt nhiều tuần qua. VIC chỉ mới “bốc” lên từ hôm qua, khi tăng 2,12% và sáng nay tăng thêm 1,78% nữa. VIC đang cộng cho VN-Index khoảng 1,2 điểm và cổ phiếu này cũng bắt đầu chịu áp lực mạnh hơn từ khoảng 10h45. VIC đạt đỉnh thời điểm này, tăng 2,82% và bị xả nhẹ khiến giá tụt xuống. Hiện VN-Index chỉ còn có VIC nâng đỡ, nếu mã này mất hiệu lực, điểm số bay hơi nhiều, thị trường có thể chuyển biến xấu hơn.
Thực ra ngoài VIC, rổ VN30 vẫn còn 11 mã khác tăng giá, nhưng số giảm tới 19 và những mã tăng cũng không mạnh. SSI đứng thứ hai sau VIC với mức tăng 1,02%. Đây cũng là 2 blue-chips duy nhất có biên độ tăng hơn 1%, số còn lại đều kém. VNM đứng thứ 3 cũng chỉ tăng 0,69%.
Số giảm giá cũng không quá yếu, STB và GVR là hai mã duy nhất giảm trên 1%. Tuy vậy độ rộng của rổ này cũng đảo chiều rất nhanh, từ chỗ chỉ có 1 mã giảm, 24 mã tăng, VN30 xoay chiều thành giảm áp đảo. Có 10 mã trong rổ này đảo chiều với biên độ trên 1%, trong đó GVR lao dốc tới 2,02% so với mức cao nhất đầu phiên.
Điểm có thể xem là tích cực, là áp lực bán không quá nhiều. Thanh khoản của HoSE sáng nay giảm tới 26% so với sáng hôm qua. Điều đó nghĩa là bên mua đã rút lui. Thị trường lúc này đang nằm trong tay người bán và nếu bên bán không hạ giá nhiều hơn thì biên độ giảm sẽ vẫn hẹp. Tuy nhiên nếu tín hiệu thay đổi, đó sẽ là một diễn biến bất lợi, vì càng khuyến khích người cầm tiền chờ đợi.
Chỉ có hơn 100 cổ phiếu ở HoSE tăng giá nên khó có thể xem sáng nay là một phiên giao dịch tích cực. Dù vậy ở nhóm ngược dòng, vẫn có một số đại diện rất mạnh. DGC là ví dụ, thanh khoản cực tốt 209,2 tỷ đồng và giá tăng 2,04%; HCM giao dịch 167,4 tỷ, giá tăng 1,67%; SSI giao dịch 245,6 tỷ, giá tăng 1,02%; PVD thanh khoản 106,8 tỷ, giá tăng 1,05%... Ngoài ra NKG, SSI, REE, CSV cũng có thanh khoản khá cao và giá tăng tốt.
Tuy vậy các mã tăng và hút tiền khá mạnh này cũng không thể đại diện hết cho nhóm ngành. Cổ phiếu chứng khoán là ví dụ, số lượng mã giảm vẫn nhiều hơn tăng hay dầu khí, hóa chất cũng tương tự. Thị trường đang giao dịch dựa trên cổ phiếu cụ thể chứ không còn đủ mạnh để theo nhóm ngành.
Thanh khoản chung của hai sàn niêm yết sáng nay giảm 26% so với sáng hôm qua, đạt 6.978 tỷ đồng, thấp nhất 16 phiên. Như vậy sau chuỗi phiên đi lên rất tốt, thị trường bắt đầu có tín hiệu tụt giảm giao dịch. Đó có thể là biểu hiện ngại rủi ro khi nhà đầu tư đánh giá cơ hội đi lên cao hơn không còn nhiều.
Khối ngoại sáng nay cũng bán mạnh hơn mua. Cụ thể, tổng giá trị bán ở HoSE đạt 422,6 tỷ đồng, mua vào 276,3 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 146,3 tỷ. VHM bị xả nhiều nhất với 45,3 tỷ ròng, KBC -38,5 tỷ, HPG -23,3 tỷ. Phía mua ròng chỉ có 2 mã đáng kể là HDB +24,6 tỷ và VNM +19,8 tỷ đồng.