Viết về đề tài ngân hàng: Chọn điểm cân bằng trên chiếc ván bập bênh
Hiếm lĩnh vực quản lý nào có tính tương tác lớn đến nền kinh tế như điều hành chính sách tiền tệ. Bất kỳ tín hiệu nào từ tăng đến giảm lãi suất điều hành hay sự thay đổi quy mô giao dịch mua/bán nội, ngoại tệ... của “người mua bán” cuối cùng đều tạo ra phản ứng tức thì trên thị trường...
Đến bây giờ, với khoảng hơn 20 năm tìm hiểu và theo dõi lĩnh vực ngân hàng nhưng nếu ai hỏi tôi về “nghiệp vụ thị trường mở - OMO”, “lãi suất tái chiết khấu”, “lãi suất tái cấp vốn”, “tỷ giá trung tâm”, “tín phiếu Ngân hàng Nhà nước”, “dự trữ bắt buộc”, “M1, M2, M3” là gì và cách vận hành của chúng trên thị trường như thế nào, thật khó trả lời.
Khó bởi đó là thuật ngữ chuyên ngành, thậm chí, mỗi thuật ngữ còn là đề tài tốt nghiệp đại học hay luận văn thạc sĩ, tiến sĩ. Do vậy, sự hiểu biết phập phù của “tay mơ” nghề báo cũng nhận được cảm thông.
Nhưng đó chưa phải là điều đáng nói vì nếu sự hiểu biết hạn hẹp thì đã có đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên trên thị trường chỉ dẫn, “thông não” hộ; điều đáng nói là đi tìm sự trung thực tương đối để phục vụ độc giả giữa “biển” thông tin mà ở đó là sự đan xen, giằng xé giữa hiểu biết kiến thức, lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường và cao hơn là lợi ích quốc gia.
Đã có một tình huống thế này: để giải quyết câu chuyện giảm lãi suất tiền vay thị trường 1 hiện nay, một chuyên gia hùng hồn “khuyên” Ngân hàng Nhà nước nên “mở rộng room tín dụng để đẩy nhiều tiền hơn vào nền kinh tế, từ đó lãi suất sẽ rẻ thêm và kích thích nhu cầu vay vốn”.
Rõ ràng, xét về nguyên lý cung cầu và giá cả, muốn giá vốn hạ thì mở rộng tiền tệ, điều mà gần như bất cứ ngân hàng trung ương nào trên thế giới cũng hành động như vậy để kích thích đầu tư.
Tuy nhiên, với bối cảnh đặc thù của Việt Nam, điều này không hoàn toàn đúng.
Bởi lẽ, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,17%, trong khi cùng kỳ tăng 8% và mục tiêu cả năm 2023 tăng 14-15%.
Cơ quan chuyên môn cho rằng, tín dụng tăng thấp là do yếu tố cầu tín dụng đang suy giảm gắn với bối cảnh năng lực sản xuất chưa phục hồi sau tác động kép của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở những thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu rất lớn của Việt Nam.
Ngoài ra, tính liên quan giữa hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) và giảm lãi suất tiền vay trong bối cảnh của Việt Nam gần như khá mờ nhạt. Bởi lẽ, dù nới “room” nhưng chuẩn mực cấp tín dụng không thay đổi thì cũng khó mở rộng.
Chưa kể, vấn đề giảm lãi suất tiền vay thị trường 1 còn phụ thuộc vào tỷ lệ nợ xấu còn quá cao, bao gồm nợ xấu phát sinh mới và nợ xấu cũ mà ngân hàng “khênh ngược” về từ VAMC chưa xử lý xong, đang phải chịu áp lực chi phí cho trích lập dự phòng rất lớn. Đây là lý do chính dẫn đến bên cho vay phải duy trì lãi suất cao để bù đắp tổn thất từ các nguyên nhân nói trên.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu tiếp tục đưa ý kiến chuyên gia lên mặt báo thì sẽ làm giảm uy tín của họ đối với thị trường và không nhận được sự đồng thuận của các chủ thể tham gia thị trường. Kéo theo đó, mức độ uy tín của một cơ quan báo chí cũng bị giảm sút.
Ở một tình huống khác. Sau cuộc họp từ ngày 14-15/6/2022, Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) quyết định tăng lãi suất cơ bản tới 0,75%, mức tăng cao nhất từ năm 1994 và cho biết sẽ không dừng tay để đối phó với lạm phát tăng cao nhất trong vòng 40 năm.
Với chính sách “diều hâu” nói trên đã kích hoạt hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất đồng nội tệ để giành giật từng đồng USD, bảo vệ tỷ giá. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hàng ngày, cập nhật dòng ngoại tệ ngày ngày chảy ra khỏi biên giới từ các nhà đầu tư nước ngoài, thật khó để tìm điểm cân bằng giữa một bên là nhu cầu được thông tin và bên kia là kích hoạt tâm lý thị trường.
Chỉ cần tâm lý thị trường bất ổn, các chủ thể nắm giữ ngoại tệ và/hoặc đang trong tình trạng nợ ngoại tệ sẽ gia tăng mua vào găm giữ thì quỹ dự trữ ngoại hối sẽ bốc hơi rất nhanh, đẩy tỷ giá lên cao và năng lực thanh toán ra bên ngoài của quốc gia suy kiệt nhanh chóng.
Những trải nghiệm trong nghề báo qua vài chục năm và không ít đồng nghiệp lâu năm chia sẻ với tôi khá nhiều điều về nghề báo. Nhưng có lẽ, thấm thía nhất chính là phải hiểu và xác định được nhiệm vụ chính trị khi bước chân vào nghề này, đó là: “Mỗi nhà báo phải là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng” hay “báo chí là công cụ của Đảng, của Nhà nước”.
Với nghề báo, thiếu kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối, cái giá nhận về sẽ rất đắt với mỗi cá nhân, tờ báo và thị trường. Trên tất cả, khi đã dấn thân vào nghề báo, không được phép nhận thức mơ hồ về lợi ích quốc gia.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam