VN-Index chào 2023 với mức tăng kỷ lục một tháng, 135 cổ phiếu kịch trần
Tâm lý hưng phấn chiều nay còn dâng cao hơn buổi sáng. Dù về mặt thanh khoản, giao dịch phiên chiều không tăng, nhưng một phần do có quá nhiều cổ phiếu “trắng bên bán”, một phần do người cầm cổ không chịu “nhả” hàng, khiến giá tăng nóng đồng loạt...
Tâm lý hưng phấn chiều nay còn dâng cao hơn buổi sáng. Dù về mặt thanh khoản, giao dịch phiên chiều không tăng, nhưng một phần do có quá nhiều cổ phiếu “trắng bên bán”, một phần do người cầm cổ không chịu “nhả” hàng, khiến giá tăng nóng đồng loạt.
Trên cả 3 sàn ghi nhận 135 mã đóng cửa ở ngưỡng giá tăng kịch biên độ cho phép, riêng HoSE là 67 mã. Có tới 59 mã đã không còn dư bán cuối này, tức là không thể tạo thêm thanh khoản. HoSE có 25 cổ phiếu khớp trên 100 tỷ đồng thì 11 mã kịch trần.
Như vậy thanh khoản khá cạn trong buổi chiều không xuất phát từ dòng tiền yếu, mà đúng hơn là có tiền cũng không mua được. Nhiều mã siêu thanh khoản như HPG, SSI, VND dư mua còn rất lớn. Nếu vẫn còn lượng bán ra thì giá trị giao dịch hôm nay sẽ còn tăng nữa.
Phần lớn lực cầu chiều nay đến từ nhà đầu tư trong nước. Khối ngoại chỉ giải ngân thêm khoảng 668,1 tỷ đồng trong phiên chiều, bán ra 575,8 tỷ đồng. Như vậy khối này mua bán cân bằng buổi chiều, phần lớn giá trị mua ròng là tập trung buổi sáng. Kết phiên vị thế mua ròng đạt +240 tỷ đồng thì 147,7 tỷ là buổi sáng.
Khối này cũng không đóng vai trò gì lớn trong việc trợ giá hay đẩy giá cổ phiếu. HPG đến cuối phiên mới chạm giá trần. Dù mã này được khối ngoại mua ròng lớn nhất sàn với 66,5 tỷ đồng thì lượng mua cũng chỉ chiếm 17,5% tổng giao dịch. VNM có khá hơn, được khối ngoại mua chiếm 61% thanh khoản nhưng giá cũng chỉ tăng 2,15%, chưa thể kịch trần. MSN, VRE, VIC, VHM là các cổ phiếu được mua khá nhiều khác, cũng không áp đảo được cầu nội.
Với tỷ trọng vốn giải ngân từ nhà đầu tư nước ngoài ở HoSE chỉ chiếm 11,2% giá trị sàn, phiên hôm nay đánh dấu sự hưng phấn trở lại của dòng vốn nội. Tổng mức khớp lệnh tại HoSE tăng 49% so với phiên cuối năm 2022 và cao nhất 5 phiên. Không chỉ giải ngân nhiều hơn, dòng vốn trong nước còn mua đẩy giá khỏe hơn. Độ rộng của VN-Index cuối ngày tiếp tục mạnh mẽ, với 352 mã tăng/74 mã giảm, trong đó 67 mã kịch trần và 150 mã khác tăng trên 2%.
Mặc dù rất nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tăng hết biên độ, nhưng sức mạnh thật sự của chỉ số vẫn nằm ở nhóm VN30. Rổ này chiếm toàn bộ 10 mã kéo điểm khỏe nhất nhưng chỉ đóng góp 4 mã kịch trần là PDR, HPG, SSI và VRE.
Nhìn chung với độ rộng quá tốt và thị trường quá hưng phấn, việc tìm cổ phiếu tăng giá mạnh là không khó. Dù vậy xét theo nhóm ngành, ấn tượng nhất là cổ phiếu chứng khoán và nhóm xây dựng hạ tầng, đi kèm là nhóm vật liệu như thép, xi măng. Nhóm chứng khoán có 14 mã kịch trần, bao gồm nhiều blue-chips như SSI, VCI, VND, HCM SHS, FTS, MBS... Nhóm vật liệu có HPG, BCC, HSG, HT1, NKG, VGS... Nhóm liên quan đến đầu tư công có FCN, VCG, BCG, CTD, HHV, LCG...
VN-Index tăng 36,81 điểm tương đương 3,66% hôm nay là mức tăng tốt nhất kể từ phiên ngày 2/12 vừa qua. Diễn biến này thuần túy do nội tại mà không chịu tác động gì từ bên ngoài. Quan trọng nhất là dòng tiền chấp nhận mua giá rất cao trong khi nhà đầu tư cầm cổ phiếu cũng chưa muốn bán. Dòng tiền trong nước vượt trội khối ngoại và điều hướng thị trường cũng là điểm ấn tượng.
Phiên tăng hôm nay đưa thị trường trở lại vùng dao động đi ngang kéo dài hồi đầu tháng 12/2022 Thanh khoản chưa xuất hiện trong phiên cung cầu đối ứng đầy đủ do hôm nay hưng phấn quá cao. Dòng tiền sẽ được kiểm chứng tốt hơn trong các phiên tới khi nhà đầu tư bán ra mạnh hơn.