VN-Index tiếp tục thử thách ngưỡng 1250 điểm, trông chờ cầu bắt đáy
Nhịp trượt giảm khá sâu cuối phiên sáng nay có lúc ép VN-Index rơi xuống mức thấp nhất 1.247,55 điểm, giảm hơn 9 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên vài phút trước giờ nghỉ, chỉ số đã hồi nhẹ lên 1251,25 điểm, còn giảm 5,31 điểm. Những nỗ lực bắt đáy và nâng đỡ quanh ngưỡng hỗ trợ 1250 điểm vẫn xuất hiện...
Nhịp trượt giảm khá sâu cuối phiên sáng nay có lúc ép VN-Index rơi xuống mức thấp nhất 1.247,55 điểm, giảm hơn 9 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên vài phút trước giờ nghỉ, chỉ số đã hồi nhẹ lên 1251,25 điểm, còn giảm 5,31 điểm. Những nỗ lực bắt đáy và nâng đỡ quanh ngưỡng hỗ trợ 1250 điểm vẫn xuất hiện.
Trước nhịp trượt giảm này, thị trường vẫn hồi lên khá tốt, có lúc tăng hơn 6 điểm. Có thể thấy biên độ dao động sáng nay khá rộng và sức ép từ bên bán là rất rõ. Thanh khoản sàn HoSE tăng 9,1% so với sáng hôm qua và đại đa số cổ phiếu giảm giá.
Diễn biến của độ rộng cổ phiếu trong phiên cũng đồng pha với diễn biến của VN-Index. Lúc 9h45 khi chỉ số tăng đạt đỉnh, ghi nhận 227 mã tăng/101 mã giảm. Đến khoảng 10h45 là lúc VN-Index bắt đầu đỏ, độ rộng còn 164 mã tăng/214 mã giảm. Chốt phiên sáng chỉ số chỉ có 108 mã tăng/297 mã giảm. Như vậy nhịp trượt dốc mạnh sáng nay có sự phù hợp của số đông cổ phiếu chứ không chỉ là ép trụ.
Dĩ nhiên nhóm blue-chips VN30 vẫn là gánh nặng chính. Chỉ số đại diện rổ đang giảm 0,64% với 6 mã tăng/20 mã giảm. Rất nhiều cổ phiếu trượt giảm với biên độ rất rộng. MWG từ chỗ tăng 1,94% đảo chiều thành giảm 0,48% tương đương đảo chiều hơn 2,73% chỉ trong buổi sáng. VRE từ tăng 0,94% thành giảm 2,11%, tương đương đảo chiều 3,02%. Loạt mã như MSN, ACB, BID, CTG, FPT, SSB, STB, TCB, VPB đều đảo chiều với biên độ rất rộng rồi rơi qua tham chiếu. Ngay cả vài cổ phiếu còn xanh như GVR cũng trả lại thị trường tới 1,72% điểm tăng và chốt phiên sáng còn tăng 2,23%; HPG đảo chiều 1,54% còn tăng 0,17%; POW đảo chiều 1,62% còn tăng 1%...
VN-Index vẫn khá may mắn khi chỉ có CTG giảm 1,42%, VPB giảm 1,32% là mạnh, ngoài ra GVR, HPG, VCB còn tăng, GAS, VHM, VIC tham chiếu. Chỉ số chủ đạo chịu sức ép từ các mã tầm trung, chưa phải nhóm trụ lớn nhất. Trong 20 mã đỏ của rổ VN30 thì 10 mã giảm quá 1% và chỉ 2 mã nói trên thuộc Top 10 vốn hóa thị trường.
Độ rộng co hẹp đáng kể khiến các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng ít cơ hội đi ngược dòng. Trong 108 mã đang xanh, có 44 mã tăng hơn 1% với thanh khoản chỉ chiếm 15% sàn. Chỉ 13 mã trong số này đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên, tốt nhất là DRC tăng 6,86% giao dịch 207,4 tỷ; HAH tăng 1,81% với 170,5 tỷ; VND tăng 1,52% với 147,1 tỷ; AAA tăng 1,74% với 142,3 tỷ; GVR tăng 2,23% với 127,3 tỷ; POW tăng 1% với 109,2 tỷ.
Ngược lại phía giảm thì áp đảo: Tới 125 mã giảm quá 1%, thanh khoản tập trung xấp xỉ 41% sàn. Tuy vậy sức ép đột biến cũng không xuất hiện nhiều, DGC, STB, SSI, DBC, VPB, ACB, CTG là các mã thanh khoản quá 100 tỷ đồng. Nhóm vốn hóa tầm trung hoặc nhỏ với thanh khoản vài chục tỷ đồng giảm sâu hơn đáng kể, số lượng cũng rất nhiều. NHA, ELC, CTR, SIP, BAF, HHS, DPG, TCH, KDH… đều giảm 2% tới 4% giá trị.
Thanh khoản hai sàn phiên sáng tăng 11% giá trị khớp lệnh, đạt gần 7.824 tỷ đồng. Mức giao dịch này vẫn còn khá nhỏ, thấp hơn mức trung bình các phiên sáng tuần trước khoảng 16%. Dù vậy lực cầu bắt đáy vẫn đang xuất hiện quanh mức 1250 điểm của VN-Index và phải đến hết phiên mới chắc kết quả.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì áp lực rút vốn khá lớn, HoSE bị bán ròng tiếp 468,4 tỷ đồng sáng nay. Cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng 233,5 tỷ đồng. Mức bán này chỉ nhỉnh hơn sáng hôm qua một chút và kém xa phiên sáng đầu tuần (-718 tỷ đồng). Các cổ phiếu bị bán nhiều nhất vẫn là FPT -101,4 tỷ, MWG -92,3 tỷ, CTG -28,7 tỷ, LPB -22,5 tỷ. Bên mua có MSN +26,6 tỷ, VCB +22,2 tỷ, TCB +21,6 tỷ.