Vốn ngoại mua ròng, vốn nội nghỉ sớm
Một đợt chốt khá mạnh xuất hiện từ nửa sau phiên chiều nay cuối cùng đã “đánh gục” VN-Index dưới tham chiếu. Khối ngoại gây bất ngờ khi mua ròng tích cực, nhưng áp lực bán từ nhà đầu tư trong nước lại tăng lên. Thanh khoản khớp lệnh của VN-Index hôm nay giảm, đặc biệt là thanh khoản của rổ VN30 và nhóm trụ...
Một đợt chốt khá mạnh xuất hiện từ nửa sau phiên chiều nay cuối cùng đã “đánh gục” VN-Index dưới tham chiếu. Khối ngoại gây bất ngờ khi mua ròng tích cực, nhưng áp lực bán từ nhà đầu tư trong nước lại tăng lên. Thanh khoản khớp lệnh của VN-Index hôm nay giảm, đặc biệt là thanh khoản của rổ VN30 và nhóm trụ.
VN-Index đóng cửa để mất 0,26 điểm, rất nhỏ, nhưng vẫn là sự thất vọng vì trong phiên có lúc tăng hơn 4 điểm. Khả năng giữ nhịp của các blue-chips đang là vấn đề, nhất là ở thời điểm cần một động lực dứt khoát mới có thể “phá đỉnh” ngắn hạn.
VN30-Index chốt phiên vẫn tăng 0,42 điểm với 13 mã tăng/13 mã giảm, nhưng nhóm trụ hàng đầu thì kém. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, chỉ có 3 mã tăng không đáng kể là VIC tăng 0,11%, CTG tăng 0,19% và TCB tăng 0,16%. Số còn lại thì 4 mã giảm, 3 mã tham chiếu. Chỉ riêng nhóm trụ này cũng đã tước đi khả năng tăng điểm của VN-Index vì vốn hóa chiếm là chính. Rổ VN30 chỉ có 2 mã tăng đáng kể là MSN tăng 1,21% và TPB tăng 2,06%.
Dù điểm số không tốt về cuối phiên nhưng giao dịch hôm nay cũng không phải là kém. Thị trường vẫn đang có các đợt chốt lời cuối năm khi nhà đầu tư muốn an toàn, nhưng lực bán chưa tác động lên giá một cách rõ ràng. VN-Index đỏ nhưng độ rộng vẫn cân bằng với 219 mã tăng/250 mã giảm. Trong số giảm có 56 mã giảm hơn 1% với thanh khoản chiếm 7,8% tổng khớp sàn HoSE. Phía tăng có 59 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 18%.
Chiều nay áp lực bán có tăng lên, thanh khoản hai sàn khớp lệnh 7.320 tỷ đồng, cao hơn phiên sáng 21%. HoSE khớp tăng 22% với 6.706 tỷ đồng. Dù vậy độ rộng không diễn biến quá xấu so với phiên sáng (224 mã tăng/200 mã giảm). Tác động của áp lực bán tăng lên nhẹ này là cổ phiếu tụt giá nhưng một số không nhiều rơi hẳn qua tham chiếu.
Về tổng thể thị trường vẫn đang trong trạng thái cân bằng và các đợt chốt lời không mang tính đại diện thay đổi về xu hướng. Đây hầu hết là những giao dịch lướt sóng dạng T+5 hay T+7 mà lợi nhuận vài ba phần trăm cũng có thể khuyến khích chốt lời. Dù hôm nay VN-Index giảm nhưng vẫn đã có 6 phiên tăng liên tiếp trước đó, thậm chí nếu bắt đáy tốt và chọn được cổ phiếu mạnh, nhà đầu cơ lãi 10-15% là bình thường.
Do yếu tố ngắn hạn phụ thuộc vào quan điểm đầu cơ khác nhau nên áp lực mua bán đối với từng cổ phiếu cũng khác nhau. Hôm nay đại đa số cổ phiếu dao động hẹp bất kể là tăng hay giảm giá, nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu xuất hiện chênh lệch cung cầu khá rõ. Phía giảm có HDG giảm 3,83% thanh khoản tới 119,4 tỷ; HAH giảm 1,69% thanh khoản 143,4 tỷ; DXG giảm 1,05% với 173,3 tỷ. Ngoài ra SZC, NLG, VSC, BCG, PC1 cũng giảm hơn 1% với thanh khoản đều trên 50 tỷ.
Phía tăng giá đáng kể có HCM tăng 1,98% với 480,9 tỷ đồng, HSG tăng 1,58% với 339,6 tỷ, DBC tăng 1,49% với 404,2 tỷ, HAG tăng 1,47% với 275 tỷ, MSN tăng 1,21% với 192,2 tỷ.
Khối ngoại là điểm sáng trong phiên chiều nay khi bắt đầu mua nhiều hơn bán. Cụ thể, khối ngày mua thêm trên HoSE 634,8 tỷ đồng và bán ra 487,5 tỷ, tương ứng mua ròng 147,3 tỷ đồng. Phiên sáng khối này vẫn bán ròng nhẹ 33,5 tỷ. Như vậy hôm nay là phiên HoSE xuất hiện mua ròng đầu tiên sau 19 phiên bán ròng liên tục trước đó. Cổ phiếu trong nhóm VN30 được mua ròng khoảng 120,4 tỷ, tập trung vào TPB +42,2 tỷ, MSN +30,1 tỷ, VHM +28,6 tỷ, VCB +23 tỷ, MWG +23,4 tỷ, VPB +18,6 tỷ. Ngoài ra có HCM +55,7 tỷ là lớn nhất. Phía bán có VNM -35,5 tỷ, HDG -22,1 tỷ, GMD -20,5 tỷ.
VN-Index kết thúc nhịp tăng 6 phiên liên tục bằng mức giảm nhẹ hôm nay nhưng về cơ bản là do ảnh hưởng của các trụ suy yếu. Thanh khoản chậm lại và lực cầu giá xanh suy yếu là tín hiệu bất lợi. Ngược lại, việc khối ngoại tăng cường giải ngân là yếu tố hỗ trợ tốt vì nếu cường độ bán giảm đi thì khả năng cao đợt rút vốn này cũng sẽ chấm dứt sau khi bước vào năm mới 2024.