WeWork “vỡ trận”, Masayoshi Son lỗ gần 12 tỷ USD và mất uy tín nghiêm trọng
Vụ phá sản của công ty cung cấp không gian làm việc chung WeWork đã kết thúc một câu chuyện kéo dài nhiều năm qua về những sai lầm đáng tiếc trong phong cách đầu tư của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son...
Theo hãng tin Bloomberg, ông Son đã bất chấp sự phản đối của cấp dưới và rót cho nhà sáng lập Adam Neumann của WeWork hàng tỷ USD vốn đầu tư từ cả SoftBank Group Corp. - công ty đầu tư công nghệ do ông Son điều hành - và Vision Fund, quỹ đầu tư chủ lực của SoftBank. Những đợt rót vốn này nâng định giá của WeWork lên mức 47 tỷ USD vào năm 2019. Vài tháng sau đó, kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của WeWork thất bại vì nhà đầu tư lo ngại về tình trạng thua lỗ và xung đột lợi ích trong công ty này.
Theo ước tính, việc đầu tư vào WeWork khiến SoftBank lỗ hơn 11,5 tỷ USD vốn cổ phần, chưa kể 2,2 tỷ USD mà WeWork còn đang nợ SoftBank. Thua lỗ ở WeWork, cùng với khoản lỗ kỷ lục 32 tỷ USD của Vision Fund trong năm 2022, đã khiến ông Son suy giảm nghiêm trọng vị thế mà ông từng có: một nhà đầu tư khôn ngoan đã giành thắng lợi được xếp vào hàng huyền thoại trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm là đặt cược sớm vào công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba.
THÀNH CÔNG LÀM LU MỜ LÝ TRÍ
“Một người có thể phục hồi sau sai lầm, nhưng làm thế nào để người đó phục hồi nếu bị cho là không biết gì về những việc mà mình đang làm? Hành động của ông ấy nói lên rằng ông ấy là một kẻ ngạo mạn”, giáo sư Aswath Damodaran của Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, nhận định về ông Son.
Vị giáo sư cho rằng có thể, kinh nghiệm của ông Son trong việc thoát khỏi cuộc khủng hoảng dot-com mang theo một số “chiến lợi phẩm” như Alibaba đã dẫn tới việc ông đánh giá thiếu chuẩn xác khi đầu tư vào WeWork.
“Trước WeWork, mọi người đều tin rằng SoftBank là một tổ chức có tầm nhìn, thông thái và cực kỳ cẩn trọng dưới sự lãnh đạo của ông Son. Nhưng tôi cho rằng thành công đôi khi làm lu mờ lý trí. Việc họ đã thành công khiến họ nghĩ mình biết nhiều hơn người khác. Và đó chính là mầm mống dẫn tới thất bại cuối cùng”, ông Damodaran nói.
WeWork sẽ tiếp tục hoạt động trong thời gian tiến hành các thủ tục phá sản. SoftBank và các chủ nợ hiện tại của WeWork đã nhất trí với một thoả thuận tái cơ cấu trong đó cắt giảm hơn 3 tỷ USD tiền nợ.
“Số tiền khổng lồ được bơm ra để đầu tư đã đẩy định giá doanh nghiệp lên mức ảo, kèm theo đó là sự ngạo mạn. Tất cả dẫn tới sụp đổ”.
Nhà phân tích Kirk Boodry của công ty Astris Advisory
Ông Son thành lập quỹ Vision Fund vào năm 2017, với vị thế quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới và đến nay đã rót hơn 140 tỷ USD vốn đầu tư vào hàng trăm công ty khởi nghiệp (startup). Nhà đầu tư này có khuynh hướng đẩy định giá của các startup lên và rót cho các nhà sáng lập số tiền lớn hơn con số đề nghị, và điều này khiến ông Son vấp phải sự chỉ trích của các đối thủ ở Thung lũng Silicon.
Bản thân ông Son nói ông đưa ra các quyết định của mình dựa trên trực giác, thông qua những thứ như ánh mắt lấp lánh của một nhà sáng lập startup hay cảm hứng tương tự như Thần lực trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao. Tuy nhiên, sự tin tưởng vào linh cảm và trực giác có thể đã khiến ông Son thiếu để ý tới các dấu hiện cảnh báo, sự phản đối của cố vấn, hay chính những băn khoăn mà ông Neumann đưa ra - theo các cựu nhân viên của cả SoftBank và WeWork.
“Tôi đã phải lòng WeWork. Có thể tôi đã sai lầm nhiều hơn Adam khi đề nghị anh ta làm quyết liệt hơn”, ông Son nói với cổ đông hồi tháng 6 năm nay. Ông thừa nhận rằng một số thành viên hội đồng quản trị đã cảnh báo niềm tin của ông có thể đặt sai chỗ, cũng như việc ông khuyến khích Neumann nghĩ lớn hơn.
Không chỉ hứng chịu thua lỗ trầm trọng vì WeWork, ông Son còn gánh thiệt hại lớn hơn về mặt uy tín.
Sau khi WeWork huỷ kế hoạch IPO vào năm 2019, SoftBank tung cho công ty này một gói giải cứu 9,5 tỷ USD. Khi đó, ông Son đã lý giải cho quyết định này bằng một bài thuyết trình bao gồm một con đường giả định đi đến lợi nhuận của WeWork.
Ảnh hưởng của “tình yêu mù quáng” mà ông Son dành cho WeWork và nhiều startup khác còn bị khuếch đại bởi việc các quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia và Abu Dhabi cam kết rót 60 tỷ USD vào quỹ Vision Fund đầu tiên. Quyết tâm của ông Son nhằm tạo ra các “kỳ lân” (unicorn, công ty khởi nghiệp với mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên) - với tốc độ chóng mặt bằng cách đẩy cao định giá của các công ty này đã khiến cho mức định giá trên thị trường startup toàn cầu bị thổi phồng, vì các đối thủ trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm như Tiger Global Management và Sequoia Capital đương đầu với áp lực phải chạy đua với SoftBank.
Nhưng chỉ sau vài năm, định giá của các startup đã sụt giảm chóng mặt, khi các khoản đầu tư không mang lại doanh thu, lợi nhuận và IPO.
LÀM LỚN, SAI LẦM LỚN
“Không chỉ thua lỗ từ việc đầu tư là vấn đề quan trọng, mà còn cả câu chuyện phía sau sự thua lỗ đó”, nhà phân tích Kirk Boodry của công ty Astris Advisory nhận định. “Số tiền khổng lồ được bơm ra để đầu tư đã đẩy định giá doanh nghiệp lên mức ảo, kèm theo đó là sự ngạo mạn. Tất cả dẫn tới sụp đổ”.
Bộ phận Vision Fund của SoftBank được dự báo có lãi trong quý 3/2023, nhưng tình hình vẫn còn ảm đạm. SoftBank đã lỗ hàng tỷ USD từ việc đầu tư vào những công ty như ứng dụng gọi xe Didi của Trung Quốc, trong khi những startup khác được SoftBank rót vốn như Katerra, OneWeb, Zume Pizza… đã phá sản hoặc dừng hoạt động.
“Khi có sự hậu thuẫn của hàng chục, hàng trăm tỷ USD, người ta càng muốn làm lớn hơn. Đó là lý do vì sao có những sai lầm lớn như WeWork”.
Giáo sư Aswath Damodaran của Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York
Thua lỗ chồng chất khiến ông Son gần như dừng tất cả hoạt động đầu tư trong năm ngoái, cắt giảm việc làm ở Vision Fund và đưa ra một quy trình thẩm định chuyên sâu nghiêm ngặt hơn. Ông cũng dừng việc chủ trì các cuộc họp công bố kết quả kinh doanh của SoftBank.
Sự kiềm chế này, cộng với việc Arm Holdings - công ty thiết kế chip mà SoftBank mua lại vào năm 2016 - chào sàn chứng khoán Nasdaq vào tháng 9 trong vụ IPO 4,9 tỷ USD đã giúp SoftBank, một nhà đầu tư đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), có vốn trở lại để hành động.
“Vụ phá sản của WeWork khép lại một chương buồn của Vision Fund 1 và Vision Fund 2. Giờ đây, mọi người đã bớt lo lắng hơn về thua lỗ trong danh mục đầu tư của các quỹ này”, chuyên gia Boodry của Astris Advisory nhận định.
Nhưng giáo sư Damoradan của Đại học New York không tin là như vậy. Ông cho rằng phong cách đầu tư cua ông Son sẽ khó mà thay đổi, trong khi vị tỷ phú nắm cổ phần khoảng 30% trong SoftBank và giữ vai trò là người ra quyết định cuối cùng trong công ty này.
SoftBank thường được cho là áp dụng tư duy của các nhà đầu tư vốn mạo hiểm vào đầu tư giai đoạn sau - khi startup tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, đầu tư mạo hiểm thường là những khoản đặt cược nhỏ, còn Vision Fund lại là “điển hình của SoftBank” - ông Damodaran nhấn mạnh. “Điều đó có nghĩa là lẽ ra chỉ đầu tư nhỏ nhưng ông ấy lại làm lớn”.
“Khi có sự hậu thuẫn của hàng chục, hàng trăm tỷ USD, người ta càng muốn làm lớn hơn. Đó là lý do vì sao có những sai lầm lớn như WeWork”, ông Damodaran nói.