Xiaomi “bơm” thêm 116 triệu USD mở rộng sản xuất ô tô điện bất chấp lùm xùm
Công ty công nghệ Trung Quốc Xiaomi đã mua một lô đất ở Bắc Kinh với giá 842 triệu nhân dân tệ (116 triệu USD) để mở rộng sản xuất ô tô điện sau thành công ban đầu của mẫu xe ô tô đầu tay bên cạnh các lùm xùm.
Khu đất rộng 53 ha (131 mẫu Anh) của Xiaomi đầu tư nằm gần nhà máy sản xuất xe điện hiện tại của hãng xe điện này tại quận Yizhuang của thủ đô, theo hồ sơ do Ủy ban Kế hoạch và Tài nguyên thiên nhiên thành phố Bắc Kinh công bố.
Khu đất được công ty con của Xiaomi là Xiaomi Jingxi Technology mua lại và sẽ được sử dụng để "phát triển ngành công nghiệp ô tô cao cấp và xe thông minh năng lượng mới", hồ sơ cho biết.
Xiaomi đã gia nhập thị trường ô tô thế giới vào tháng 3 với mẫu xe cơ bản SU7 có giá 215.900 nhân dân tệ - bước đầu tiên trong kế hoạch trị giá 10 USD của giám đốc điều hành Lôi Quân nhằm trở thành một thế lực lớn trên thị trường xe điện. Ông Lôi cho biết vào đầu tháng này rằng công ty đã giao 30.000 xe và đang trên đà đạt được mục tiêu bán hàng ban đầu vào năm 2024 là 100.000 xe ngay từ tháng 11.
Sự thâm nhập thành công vào thị trường xe điện của Xiaomi trái ngược với các đối thủ đang phải vật lộn để giành thị phần trong một ngành công nghiệp đông đúc. Bắc Kinh đã loại bỏ dần các khoản trợ cấp quốc gia cho việc mua xe điện vào năm 2022 và nhu cầu chậm lại đã khiến một số nhà sản xuất xe điện bao gồm WM Motor Technology Group và thương hiệu HiPhi cao cấp từ Human Horizons Shanghai Internet Technology phá sản hoặc tạm ngừng sản xuất.
Xiaomi nổi tiếng nhất với việc sản xuất điện thoại thông minh, cũng đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất và bán một chiếc xe thể thao đa dụng tương tự như Model Y của Tesla vào đầu năm 2025.
Trước đó, công ty đã nói rằng họ có kế hoạch bắt đầu xây dựng giai đoạn hai của nhà máy sản xuất ô tô, với dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Giai đoạn đầu tiên có công suất sản xuất hàng năm là 150.000 xe.
Xiaomi đã đạt được chứng chỉ sản xuất ô tô độc lập vào tháng 7, điều này có nghĩa là công ty này không còn cần phải sử dụng giấy phép của BAIC Motor do nhà nước sở hữu nữa.
Xiaomi được biết đến là một tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới, được thành lập ngày 6/4/2010 bởi 7 đối tác, trong đó có 3 tổ chức đầu tư lớn của Singapore và Trung Quốc. Đây là một tập đoàn chuyên thiết kế, phát triển và bán các mẫu smartphone, ứng dụng, đồ điện tử tiêu dùng cho thị trường Trung Quốc.
Hiện những mẫu điện thoại Xiaomi đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Trong đó, điện thoại Xiaomi có thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam, sau Apple với iPhone.
Cuối tháng 3/2021, Xiaomi bất ngờ thông báo sẽ phát triển ô tô điện và dự kiến ra mắt trong năm 2024. Tỷ phú Lôi Quân - nhà sáng lập Xiaomi cho biết tập đoàn sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong vòng 10 năm để sản xuất xe điện. Ông Lôi Quân cũng coi đây là start-up cuối cùng trong cuộc đời của mình, hay nói một cách khách là một canh bạc bạc tỷ USD của Xiaomi.
Thời gian đầu, quyết định “tay ngang” sang làm xe điện của Xiaomi khiến nhiều nhà đầu tư không hài lòng vì nó quá rủi ro và bất định. Trong khi đó, cạnh tranh trên thị trường điện thoại thông minh ngày càng khắc nghiệt, kết hợp với tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tình hình khan hiếm nguồn cung linh kiện đã khiến doanh thu của tập đoàn này sụt giảm mạnh trong năm 2022. Cổ phiếu Xiaomi có thời điểm tụt xuống 9 USD/cổ phiếu, kéo tụt vốn hóa thị trường từ mức đỉnh năm 2021 là 100 tỷ USD xuống còn 31 tỷ USD.
Mặc dù vậy, tỷ phú Lôi Quân vẫn kiên định vào kế hoạch ra mắt chiếc xe điện đầu tiên của mình. Hàng trăm triệu USD đầu tiên đã được rót vào lĩnh vực R&D. Cùng thời điểm này, đối thủ của Xiaomi là Apple cũng đang ấp ủ một mẫu xe điện thông minh, dự kiến ra mắt trong năm 2024. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Apple liên tục trì hoãn kế hoạch, cuối cùng thông báo dời lịch ra mắt công chúng của mẫu ô tô điện mang tên Titan cho tới năm 2026.
Còn đối với Xiaomi, năm 2023 là năm tăng tốc để hiện thực hóa giấc mơ xe điện của mình. Ngày 28/12/2023, Xiaomi chính thức ra mắt mẫu sedan chạy điện có tên gọi là SU7, với tuyên bố hùng hồn rằng: chúng tôi sẽ trở thành một trong 5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới. Trong đó, SU là viết tắt của Speed Ultra. Nó có thể đạt tốc độ từ 0-100 km/h chỉ trong vòng 2,78 giây, tương đương các siêu xe đua. Mẫu xe này cũng có phạm vi hoạt động lên đến 800 km sau mỗi lần sạc đầy, vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ như Tesla Model S hay Porsche Taycan. Ngược lại, giá bán SU7 chỉ bằng gần một nửa so với Model S và bằng 1/5 so với Taycan.
Chỉ sau 4 phút mở bán, đã có hơn 10.000 đơn đặt cọc. Sau 24h, số lượng chốt đơn đã lên tới 88.898 chiếc, biến Xiaomi SU7 trở thành một trong những mẫu xe bán nhanh nhất trong lịch sử. Tỷ phú Lôi Quân cũng tự tin đến mức mở một chiến dịch trải nghiệm lái SU7 tại Thượng Hải dành cho mọi khách hàng. Điều này đã tạo nên một khung cảnh xếp hàng chờ đợi đến lượt test xe chẳng khác nào đang đứng chờ mua một mẫu điện thoại thông minh thế hệ mới. Thậm chí có nhiều người nán lại đến tận 2-3h sáng để có cơ hội trải nghiệm xe thực tế. Có thể nói SU7 được tung hứng lên trời mây.
Tuy nhiên, những khó khăn bắt đầu ập đến. Ngay trong ngày trải nghiệm, một số lỗi, trục trặc kỹ thuật đã được phát hiện, khiến xe mất lái, va chạm với barie và các phương tiện giao thông khác. Một sự cố nghiêm trọng hơn xảy ra đối với một khách hàng nhận bàn giao lô xe đầu tiên ngày 3/4, chỉ sau 2 ngày sử dụng, lăn bánh được 39 km thì xe đã gặp trục trặc, phải trả về nhà máy và được xác định là không thể sửa được. Xiaomi sau đó đã phải quyết định hoàn tiền mua xe cho khách.