Xử lý triệt để nạn buôn bán gia súc, gia cầm để bảo vệ người nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi
Thời gian gần đây lại rộ lên tình trạng nhập lậu con giống gia cầm. Khi các lực lượng chức năng kiểm soát chặt ở cửa khẩu đường bộ, thì các đối tượng buôn lậu lại chuyển sang đường biển, rồi đưa gia súc gia cầm lậu ngược từ miền xuôi lên miền núi…
Chủ trì cuộc họp liên ngành về phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm, ngày 8/5/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu cần làm nghiêm, làm triệt để, thậm chí xử lý hình sự các đối tượng tiếp tay buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu. Nông dân và doanh nghiệp cần được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG VẪN THỜ Ơ
Theo Cục Chăn nuôi, hiện giá lợn giống ở Việt Nam đang cao hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, chỉ thấp hơn Philippines và Indonesia. Do đó, có hiện tượng nhập lậu lợn từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó ‘tẩy trắng nguồn’ để kiếm lời. Cục Chăn nuôi đang kiểm tra về việc một đầu nậu ở Tây Ninh nhập lậu tới hơn 2.000 con lợn giống mỗi ngày.
Đối với gia cầm, tùy thời điểm, con giống như gà, vịt ở Trung Quốc có giá thành thấp hơn ở Việt Nam. Một số đối tượng hám lợi, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, nhập về bán cho nông dân kiếm lời. Muốn ngăn chặn rốt ráo tình trạng nhập lậu con giống gia súc gia cầm, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng giải pháp hiện tại là quản lý tốt con giống, giảm giá thành.
"Tình trạng buôn lậu, gốc rễ nguyên nhân là do chênh lệch giá cả. Còn việc để tình trạng bày bán công khai gia súc gia cầm nhập lậu thì đây là trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng địa phương".
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết tình trạng buôn lậu, nhập lậu gia súc gia cầm đang rất phức tạp, thế nhưng hầu như chỉ thấy các cơ quan Trung ương vào cuộc, chưa thấy địa phương chủ động có phát hiện, báo cáo. Nhất là các tỉnh biên giới, cần có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng ở cửa khẩu và nội địa.
“Đề nghị Cơ quan Công an vào cuộc xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ chứng cứ - với các trường hợp buôn lậu gia súc, gia cầm. Cục Thú y sẽ tham mưu Bộ để gửi văn bản đến từng địa phương, đề nghị địa phương quản lý chặt”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng theo các văn bản pháp luật hiện hành, trách nhiệm phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm ở ngành Nông nghiệp, thuộc về Cục Chăn nuôi và các địa phương.
Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) trực thuộc Bộ Công an cho biết việc buôn lậu gia súc, gia cầm diễn ra tùy thời điểm. Trước và sau Tết, buôn lậu gà, vịt tăng mạnh do nhu cầu thị trường. “Trước Tết, chúng tôi đi kiểm tra ở miền Trung và Tây Nguyên, thấy có nhiều vụ nhập lậu trâu bò từ Lào về, rồi xuất sang Trung Quốc. Thời gian gần đây lại rộ lên con giống gia cầm”, đại diện C03 thông tin.
Theo C03, khi các lực lượng chức năng "làm mạnh" ở cửa khẩu đường bộ, thì các đối tượng buôn lậu sẽ chuyển sang đường biển. “Chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi các địa phương, để các địa phương giám sát chặt hơn nữa về xuất nhập lậu gia súc, gia cầm. Các doanh nghiệp kinh doanh liên quan gia súc, gia cầm cũng nên chủ động thông báo tin tức tới Cơ quan công an khi phát hiện nhập lậu, buôn lậu gia súc gia cầm”, đại diện C03 khuyến cáo.
PHẢI LÀM NGHIÊM, TRIỆT ĐỂ XỬ LÝ
Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) trực thuộc Bộ Công an, cho hay đơn vị này đã nắm thông tin về việc nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc về Việt Nam, cùng nhiều thông tin khác.
“Qua công tác điều tra, chúng tôi nắm được việc khu vực biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, nhập gia súc gia cầm nhiều. Về thủy sản, có những nơi xây ao nuôi cá tầm cách biên giới có vài km, rộng hàng trăm m2”, đại tá Thơm thông tin, đồng thời cho biết về nhập lậu gia cầm, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở đưa trứng gia cầm về Việt Nam. Gia súc cũng vậy, các đối tượng lợi dụng đường sắt từ Trung Quốc chạy vào tới Lào, Campuchia, cho nên hàng lậu từ Trung Quốc có thể vào tới miền Trung, Tây Nguyên. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án với các trường hợp liên quan.
“Một số người vì hám lợi trước mắt, sáng đưa chục con trâu bò từ Việt Nam sang bên kia biên giới chăn thả. Chiều về đàn thành ba bốn chục con. Rất khó kiểm soát”, đại tá Thơm nói.
Một hiện tượng khác được đại tá Thơm đề cập, đó là nội tạng nước khác đổ đi vì tốn tiền xử lý môi trường, trong khi về Việt Nam thành đặc sản. "Tôi từng đi xử lý những vụ việc ở Tân Sơn Nhất, Cát Lái... thì thấy tầm 2h đến 3h sáng là xe vào tận nơi lấy hàng, sáng sớm ra mấy món này đã xuất hiện trên các cửa hàng ăn uống. Thậm chí, có đối tượng còn tiêm thuốc mê vào tôm hùm giống, sau đó ký gửi mang từ nước ngoài về Cảng hàng không Tân Sơn Nhất”, đại tá Thơm nêu thực tế.
Đại tá Thơm đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan vào cuộc, chung tay xử lý hiện tượng này. Hai bên cần phối hợp lập đoàn công tác liên ngành Nông nghiệp - Công an, để cùng triệt phá nạn buôn lậu gia súc, gia cầm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng vấn nạn nhập khẩu gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi. Người nông dân ít thông tin, gom góp được tý vốn mua con gà, con vịt về nuôi tăng gia. Mấy hôm sau lăn ra chết sạch. Biết đền ai. Ai đền cho? Xót xa lắm chứ. Tôi nói thế để các cán bộ ở địa phương đừng bàng quan, đừng thờ ơ, đừng cả nể mà để nông dân lâm cảnh khó khăn.
“Tại một số địa phương gần biên giới, có tình trạng một số cơ sở nhập con giống gia cầm như gà, vịt về rồi bán sang địa phương khác. Thôn xã ai làm gì biết hết, ai có cỗ bàn biết hết. Làm gì có chuyện gia súc gia cầm nhập lậu mà không biết", Thứ trưởng bức xúc.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn nạn nhập lậu gia súc gia cầm không chỉ dừng ở nông dân trực tiếp chăn nuôi, mà còn ảnh hưởng tới cả ngành chăn nuôi nói chung.
“Mấy năm thua lỗ nghiêm trọng. Tôi rất buồn, rất xót xa khi thấy có không ít doanh nghiệp phải cho bay cả xe máy, ô tô đến sổ đỏ. Khi mà chúng ta vào cuộc quyết liệt, cả nông dân và doanh nghiệp đều phấn khởi, vì họ được bảo vệ khi kiếm đồng tiền chân chính từ mồ hôi, nước mắt của mình”, Thứ trưởng chia sẻ.
"Cần làm nghiêm, làm triệt để, thậm chí xử lý hình sự các đối tượng tiếp tay buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu. Nông dân và doanh nghiệp cần được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật. Cùng với việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc gia cầm, cần tập trung phát triển sản xuất con giống chất lượng cao, giảm giá thành, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở biên giới, phục vụ xuất nhập khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.