Xuất hiện mối lo thương hiệu Mỹ bị tẩy chay vì ông Trump

Ngọc Trang
Chia sẻ

Các tập đoàn lớn đang điều chỉnh định hướng kinh doanh để thích nghi với chính sách thương mại khó đoán của chính quyền Trump...

Ông Takeshi Niinami, CEO của Suntory Holdings - Ảnh: Bloomberg
Ông Takeshi Niinami, CEO của Suntory Holdings - Ảnh: Bloomberg

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Financial Times gần đây, ông Takeshi Niinami, CEO tập đoàn đồ uống Suntory Holdings, cho rằng chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến các thương hiệu của Mỹ bị tẩy chay tại nhiều thị trường trên thế giới.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch chiến lược và lên kế hoạch ngân sách năm 2025 với dự báo rằng các thương hiệu Mỹ, bao gồm rượu whiskey, sẽ ít nhiều bị khách hàng tại một số thị trường quốc tế quay lưng. Thứ nhất là bởi thuế quan và thứ hai là bởi yếu tố cảm xúc”, ông Niinami cho biết. “Kế hoạch của chúng tôi là sẽ xuất khẩu ít hơn từ Mỹ sang các thị trường như châu Âu, Mexico và Canada. Chúng tôi phải tập trung vào thị trường Mỹ để bán rượu whiskey”.

Suntory Holdings là tập đoàn của Nhật sở hữu hai thương hiệu rượu nổi tiếng của Mỹ là Jim Beam và Maker's Mark.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch của Suntory phản ánh thực tế rằng các tập đoàn lớn đang điều chỉnh định hướng kinh doanh để thích nghi với chính sách thương mại khó đoán của chính quyền Trump.

Cuối tuần trước, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada vào Mỹ, đồng thời tăng thuế 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông cũng khẳng định “chắc chắn” sẽ có biện pháp hạn chế thương mại với châu Âu. Trước khi sắc lệnh có hiệu lực, Tổng thống Mỹ đã hoãn áp thuế quan với Mexico và Canada trong 30 ngày sau khi đạt thỏa thuận với các nhà lãnh đạo của hai nước này. Quyết định này đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến thương mại bùng nổ ở Bắc Mỹ.

Ông Niinami cho biết ông cảm thấy “nhẹ nhõm” khi nghe tin thuế quan được hoãn trong một tháng. Tuy nhiên, vị giám đốc cảnh báo về tác động to lớn nếu sản phẩm của công ty ông không được bán tại các cửa hàng ở Canada.

Theo các nhà phân tích, đe dọa thuế quan của ông Trump đã làm dấy lên làn sóng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ở Canada với lời kêu gọi người dân đẩy mạnh mua hàng hóa sản xuất trong nước thay vì hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Một số bang tại Canada đã yêu cầu các cửa hàng loại bỏ rượu Mỹ khỏi kệ hàng.

“Chúng tôi cũng lo lắng về thị trường Mexico, nơi Suntory sở hữu một số nhà sản xuất rượu tequila. Tequila là danh mục rượu mạnh tăng trưởng nhanh nhất của Suntory”, ông Niinami chia sẻ. “Nếu thuế quan xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, Mỹ sẽ tổn thương nhiều nhất. Ông Trump sẽ phải thực tế hơn trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, đó là kiểm soát lạm phát”.

Dù thuế quan với Mexico và Canada được hoãn, nhiều thương hiệu rượu lớn vẫn chưa hết lo về tác động của thuế quan Mỹ với những diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Hôm 4/2, sau khi công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024, Giám đốc tài chính Nik Jhangiani của công ty đồ uống đa quốc gia Diageo nhận định "tình hình vẫn khá bất ổn" và thuế quan Mỹ có thể khiến lợi nhuận của công ty giảm 200 triệu USD. 

Trong khi đó, thương hiệu rượu mạnh Tanqueray, thuộc sở hữu của Diageo, thông báo rút lại dự báo tăng trưởng doanh thu trung hạn là 5-7% đã đưa ra trước đó do bất ổn kinh tế vĩ mô và địa chính trị. Công ty này cũng công bố kế hoạch sơ bộ để ứng phó với thuế quan Mỹ, bao gồm quản lý giá cả, khuyến mại, hàng tồn kho, phân bổ lại các khoản đầu tư và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Hãng rượu mạnh Pernod Ricard của Pháp ngày 6/2 cũng hạ dự báo doanh thu với mức tăng trưởng thấp ở ngưỡng "một con số" trong năm tài khóa 2024/2025 do rủi ro chiến tranh thương mại.

Ở cấp quốc gia, lãnh đạo một số nước đang bắt đầu tìm cách đối thoại với chính quyền Trump về vấn đề thuế quan. 

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 6/2 đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ kéo dài 3 ngày. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai được tiếp đón tại Nhà Trắng kể từ khi ông Trump nhậm chức, sau Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nhật dự kiến sẽ trao đổi với Tổng thống Trump về việc doanh nghiệp Nhật đang tạo ra việc làm tại Mỹ ra sao. Ông cũng có thể sẽ đưa ra cam kết mua thêm khí đốt Mỹ để xoa dịu ông Trump trong bối cảnh Nhật Bản có thặng dư thương mại với Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đang muốn nhanh chóng đối thoại với Mỹ để tránh việc Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng hóa của khối này như lời đe dọa hôm đầu tháng.

“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại lập tức và hy vọng thông qua đối thoại sớm có thể tránh được những hành động có thể gây xáo trộn cho mối quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng nhất hành tinh này”, ông Maros Sefcovic - Ủy viên phụ trách vấn đề thương mại và an ninh kinh tế EU - phát biểu hôm 4/2.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con