16:16 10/07/2024

Threads và những bài học Meta cần đúc kết lại sau một năm ra mắt

Bảo Ngọc

Đã một năm trôi qua kể từ sự kiện Meta tung ra mạng xã hội mới Threads nhằm cạnh tranh trực diện với X (trước đây là Twitter). Vào thời điểm đó, CEO Mark Zuckerberg cho biết ông hy vọng Threads sẽ trở thành "ứng dụng trò chuyện công khai với hơn 1 tỷ người dùng"....

Threads là dự án mới truyền thông xã hội mới nhất của gã khổng lồ Meta.
Threads là dự án mới truyền thông xã hội mới nhất của gã khổng lồ Meta.

Threads ra mắt vào thời điểm “đặc biệt hỗn loạn” đối với Twitter (sau này được đổi tên thành X), khi nhiều người dùng đang loay hoay tìm kiếm nền tảng thay thế. Threads ghi nhận ​​30 triệu lượt đăng ký trong ngày đầu tiên và nhanh chóng phát triển lên 175 triệu người dùng hàng tháng, theo CEO Zuckerberg. X hiện có 600 triệu người dùng hàng tháng.

Nhưng khoảng thời gian đầu Threads hoạt động chẳng mấy suôn sẻ: không có phiên bản web và thiếu rất nhiều tính năng. Một năm sau ngày ra mắt, nhiều chuyên gia công nghệ vẫn chưa thực sự nhìn ra định hướng mục tiêu của Threads là gì. Nhóm lãnh đạo Meta khẳng định "mục tiêu không phải là thay thế Twitter" mà là tạo ra “quảng trường kết nối” cho người dùng Instagram và một "địa điểm lý tưởng để trò chuyện". 

Rõ ràng, nền tảng mới của Meta vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Phóng viên công nghệ Karissa Bell đến từ Yahoo Tech vừa đưa ra một số đề xuất giúp Threads cải thiện hiệu quả hơn. 

CHỈNH SỬA THUẬT TOÁN CỦA CHUYÊN MỤC “FOR YOU”

Có lẽ Meta cần chỉnh sửa thuật toán cung cấp nguồn cấp dữ liệu cho chuyên mục "For You" mặc định trên Threads. Nguồn cấp dữ liệu thuật toán phản ứng và xử lý thông tin quá chậm chạp. Chuyên mục thường hiển thị bài đăng cũ nhiều ngày, ngay cả khi xuất hiện những chủ đề được bàn tán sôi nổi.

Phòng viên Bell không đánh giá cao thuật toán của Threads. Với nền tảng sẵn có xây dựng dựa trên Instagram, ứng dụng sở hữu thuật toán đề xuất được tinh chỉnh cực kỳ kỹ lưỡng và vô số dữ liệu người dùng thu thập trong hơn một thập kỷ, Threads dường như không sử dụng bất kỳ tài nguyên nào trong số đó. Ngược lại, nền tảng thường xuyên đề xuất chủ đề không liên quan tới người dùng.

Điển hình nhất, trong hơn một năm qua, phóng viên Bell đã nhìn thấy vô số bài đăng Threads từ những người hoàn toàn xa lạ kể chi tiết về việc lạm dụng trẻ em, rối loạn ăn uống, bệnh mãn tính, bạo lực gia đình, mất thú cưng và nhiều câu chuyện ám ảnh khác. Đây không phải là tuyến bài đăng mà nhà phân tích này hướng đến, nhưng thuật toán của Meta lại đẩy lên trang đầu của mục “For You” trong tài khoản của cô.

Tính năng vuốt của Threads đã hỗ trợ phần nào trong việc loại bỏ bài đăng không phù hợp ra khỏi trang cá nhân người dùng, nhưng dường như không cải thiện được số lượng bài đăng “kỳ lạ” mà người dùng nhận được từ những tài khoản hoàn toàn ngẫu nhiên

LIÊN TỤC NÉ TRÁNH TIN TỨC ĐƯỢC GẮN NHÃN “NHẠY CẢM”

Meta tỏ ra vô cùng thận trọng trong khâu kiểm duyệt nội dung trên Threads. Gã khổng lồ truyền thông xã hội trước đây từng vướng vào nhiều vấn đề xoay quanh chủ nghĩa cực đoan, thông tin sai lệch về sức khỏe hoặc phát ngôn thù hận mang tính kích động. Không có gì ngạc nhiên khi công ty né tránh những chủ đề tương tự trên Threads.

Nhưng nếu Meta đặt kỳ vọng Threads trở thành một "quảng trường kết nối", công ty không thể tiếp tục chặn tìm kiếm và gắn nhãn "nhạy cảm" đối với các chủ đề như COVID-19 hay vắc-xin. 

Vào tháng 10 năm ngoái, người đứng đầu mạng xã hội Instagram Adam Mosseri tuyên bố biện pháp trên chỉ là "tạm thời". 

NHẮN TIN, NHẮN TIN VÀ NHẮN TIN

Điều quan trọng phải nhắc lại ba lần. 

Một năm trôi qua, rõ ràng nền tảng truyền thông xã hội không thể thu hút người dùng nếu không trang bị tính năng nhắn tin trực tiếp (direct messaging - DM). Vì lý do nào đó, nhóm nhà lãnh đạo Threads, đặc biệt là Giám đốc Mosseri, kiên quyết phản đối ý tưởng tạo hộp thư riêng dành cho ứng dụng.

Người dùng có mong muốn kết nối trên Threads buộc phải chuyển sang Instagram và hy vọng người nhận chấp nhận yêu cầu tin nhắn mới. Người dùng có thể gửi bài đăng trên Threads cho một người bạn trên Instagram nhưng điều này phụ thuộc vào việc hai người đã kết nối trên Instagram hay chưa.

Lý do chính xác tại sao Threads không có tính năng nhắn tin riêng vẫn chưa được tiết lộ. Ông Mosseri tuyên bố rằng việc xây dựng hộp thư mới cho ứng dụng là không hợp lý, nhưng nhà lãnh đạo dường như đã bỏ qua thực tế rằng tệp khách hàng sử dụng Instagram và Threads có thể rất khác nhau. 

TÁCH KHỎI INSTAGRAM

Nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định lý do Threads ra mắt thuận lợi như vậy phần lớn nhờ Instagram. Threads được tạo ra bằng cách sử dụng rất nhiều cơ sở hạ tầng có sẵn từ Instagram, điều này cũng giúp ứng dụng dễ dàng thu hút hàng chục triệu người đăng ký ngay ngày đầu tiên.

Nhiều người dùng mong muốn tách biệt Threads khỏi Instagram. 
Nhiều người dùng mong muốn tách biệt Threads khỏi Instagram. 

Nhưng việc tiếp tục phải duy trì tài khoản Instagram để sử dụng Threads không mang lại hiệu quả tích cực sau một năm. Thứ nhất, công ty sẽ mất đi một số lượng không nhỏ người dùng chỉ quan tâm đến Threads nhưng không muốn sử dụng Instagram. 

Thứ hai, không thể phủ nhận các ứng dụng mặc dù có chung một số yếu tố thiết kế nhưng cung cấp dịch vụ hoàn toàn khác nhau. Và nhiều người dùng, bao gồm cả tác giả bài viết, đang sử dụng Instagram và Threads với mục đích hoàn toàn khác biệt. 

Nền tảng Threads hoạt động tốt nhất đối với những chủ đề thảo luận công khai, còn tài khoản Instagram thường được sử dụng để cập nhật đời sống cá nhân, gia đình. Và ngay cả khi người dùng sử dụng cả hai ứng dụng, Meta nên xem xét một vài tùy chọn khác thay vì buộc người dùng liên kết hai tài khoản. Điều này dẫn đến hệ quả là nếu không muốn tiết lộ thông tin cá nhân trên Threads, khách hàng cần tạo một Instagram hoàn toàn mới để làm thông tin đăng nhập cho tài khoản Threads tương ứng.

Có vẻ như Meta cũng đang cân nhắc vấn đề này. Ông Mosseri chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Platformer rằng công ty đang “xây dựng tài khoản chỉ dành cho Threads” và mong muốn ứng dụng trở nên “độc lập hơn”.

Tất nhiên, đây không phải là những yếu tố duy nhất quyết định Threads có thể trở thành ứng dụng tiếp theo của Meta cán mốc 1 tỷ người dùng như lời CEO Zuckerberg suy đoán hay không. Cuối cùng, Meta sẽ cần kiếm tiền từ nền tảng hiện đang chưa chính thức mở dịch vụ quảng cáo này. Nhưng trước khi tính đến mục tiêu lợi nhuận, công ty cần làm rõ về việc ứng dụng thực sự nhắm tới nhóm đối tượng nào và định hướng mục tiêu là gì.