07:00 16/03/2024

Mỹ phụ thuộc vào uranium Nga như thế nào?

Đức Anh

Sau từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, nhưng vẫn tiếp tục nhập khẩu uranium được làm giàu (enriched uranium) từ nước này...

Trong bối cảnh Nga là nhà cung cấp nước ngoài lớn nhất của Mỹ về uranium được làm giàu, Hạ viện Mỹ năm ngoái đã thông qua một dự luật cấm nhập khẩu mặt hàng này từ Nga. Tuy nhiên, dự luật này cần được Thượng viện thông qua trước khi có hiệu lực.

Đồ thị thông tin dưới đây cho thấy sự phụ thuộc của Mỹ vào uranium từ Nga, dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Theo đó, năm 2022, Nga cung cấp gần 25% uranium được làm giàu dùng trong các lò phản ứng hạt nhân thương mại ở Mỹ (hơn 90 lò). Phần lớn lượng còn lại đến từ các quốc gia châu Âu. Một phần cũng đến từ một liên doanh Anh-Hà Lan-Đức có tên là Urenco hoạt động tại Mỹ.

Trên thế giới, nhiều quốc gia phụ thuộc vào uranium được làm giàu của Nga cho hơn 50% nhu cầu sử dụng trong nước, bao gồm một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số nước đồng minh của Ukraine.

Chỉ riêng năm 2023, ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ chi hơn 800 triệu USD để mua uranium được làm giàu từ Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga và các công ty con.

Đáng chú ý, điện hạt nhân chiếm 19% tổng lượng điện tiêu thụ ở Mỹ. Nước này bắt đầu phụ thuộc vào uranium từ Nga để sản xuất điện hạt nhân vào những năm 1990. Đó là thời điểm Mỹ tăng nhập khẩu uranium Nga thay vì đẩy mạnh làm giàu uranium trong nước.

Nằm trong dự luật cấm nhập khẩu uranium Nga, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến chi 2,2 tỷ USD để mở rộng các cơ sở làm giàu uranium trong nước.

Mỹ phụ thuộc vào uranium Nga như thế nào? - Ảnh 1