20:56 14/03/2024

Nhiều quy định bất cập đang gây khó cho ngành chăn nuôi, các Hiệp hội kiến nghị tháo gỡ

Chu Khôi

Các Hội, Hiệp hội ngành chăn nuôi vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đề xuất bãi bỏ một số quy định gây lãng phí…

Nhiều quy định bất hợp lý là nguyên nhân khiến cho ngành chăn nuôi “thua” ngay trên sân nhà.
Nhiều quy định bất hợp lý là nguyên nhân khiến cho ngành chăn nuôi “thua” ngay trên sân nhà.

Các hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực chăn nuôi, gồm: Hội Chăn nuôi Việt Nam; Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam; Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam; Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam vừa có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, nêu những kiến nghị xin bỏ quy định hợp quy đối với các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; kiến nghị kiểm soát chặt nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; kiến nghị về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm chăn nuôi. 

KIẾN NGHỊ BỎ QUY ĐỊNH VỀ HỢP QUY

Trong văn bản kiến nghị, các hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi cho rằng việc quản lý thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y theo quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho con người và sức khỏe vật nuôi. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, các cơ sản sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này phải đáp ứng đủ điều kiện sản xuất do cơ quan nhà nước đến đánh giá, thẩm định cấp Giấy chứng nhận trước khi sản xuất và hàng năm đều có đánh giá giám sát duy trì của cơ quan. Đó là chưa kể còn có việc kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan chức năng khác của Bộ hoặc địa phương.

Nhiều quy định bất cập đang gây khó cho ngành chăn nuôi, các Hiệp hội kiến nghị tháo gỡ - Ảnh 1
Văn bản kiến nghị của các Hiệp hội.
Văn bản kiến nghị của các Hiệp hội.

Thế nhưng, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y lại còn phải thực hiện hợp quy. Hoạt động đánh giá công bố hợp quy sản phẩm, thực chất là đánh giá điều kiện và quy trình sản xuất, lấy mẫu điển hình để thử nghiệm.

Các Hiệp hội cho biết đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, trước khi các nhà máy đi vào sản xuất, đều đã được các cơ quan nhà nước đánh giá công nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh và tiếp tục được đánh giá giám sát duy trì trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong đó, có cả biện pháp lấy mẫu đại diện để thử nghiệm về các chỉ tiêu an toàn theo quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật. Do vậy, việc đánh giá công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y của các tổ chức chứng nhận hợp quy như hiện nay là trùng lặp và chồng chéo.

Trong khi đó, chi phí cho việc đánh giá công bố hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thúy rất tốn kém. Hiện các doanh nghiệp đang phải trả lệ phí 2-4 triệu đồng cho mỗi lần lấy mẫu của một sản phẩm thức ăn chăn nuôi và 10-20 triệu đồng/sản phẩm vaccine.

"Nếu tính cho 1 doanh nghiệp có hàng trăm sản phẩm, thì phải mất hàng tỷ đồng cho việc hợp quy sản phẩm, chưa kể làm mất thời gian của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật", công văn kiến nghị nêu rõ.

Vì vậy, các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội loại bỏ quy định hợp quy ra khỏi Luật Thú y và Luật Chăn nuôi.

THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG CÒN BẤT HỢP LÝ

Các hiệp hội ngành hàng chăn nuôi cho hay theo quy định tại Điều 1 Luật Thuế gia trị gia tăng sửa đổi năm 2016, thì các sản phẩm chăn nuôi, như trứng gia cầm được làm sạch, đóng gói; thịt gia súc gia cầm sau giết mổ, làm mát, cấp đông...nếu do các doanh nghiệp, hợp tác xã mua bán, trao đổi với nhau thì được miễn thuế giá trị gia tăng 5%.

Thế nhưng nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bán mặt hàng này cho người dân, hộ kinh doanh cá thể thì phải mất thuế 5%. Quy định này đang gây rất nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.

 

"Chính thuế giá trị gia tăng 5% của các sản phẩm chăn nuôi sơ chế đang là trở ngại cho hoạt động này của các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư bài bản, dây chuyền sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường".

Theo các hiệp hội ngành hàng chăn nuôi, các sản phẩm chăn nuôi qua sơ chế, giết mổ công nghiệp đã phát sinh nhiều chi phí so với giết mổ thủ công, lại phải cộng thêm 5% thuế giá trị gia tăng thì sẽ không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm chăn nuôi “trôi nổi không được kiểm soát chất lượng, an toàn” và với các sản phẩm chăn nuôi cùng loại nhập khẩu, như thịt đông lạnh, gà nguyên con không chịu thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu.

Hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, dây chuyền thiết bị hiện đại, tốn kém, như: DABACO, Masan, Visan, CP, Deheus... nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, sản lượng sản xuất thực tế chỉ chiếm trên dưới 30% công suất thiết kế.

Nguyên nhân chính của những tồn tại này là chúng ta chưa kiểm soát được hoạt động giết mổ thủ công về điều kiện sản xuất, kinh doanh và các chính sách thuế, mà chính thuế giá trị gia tăng 5% của các sản phẩm chăn nuôi sơ chế đang là trở ngại cho hoạt động này của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trong khi đó Nhà nước cũng không thu được là bao nhiêu đối với dòng thuế này.

Các hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi kiến nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khi sơ chế sản phẩm chăn nuôi bán cho người tiêu dùng không phải nộp 5% thuế giá trị gia tăng.

CẦN KIỂM SOÁT CHẶT NHẬP KHẨU SẢN PHẨM CHĂN NUÔI

Các hiệp hội ngành hàng chăn nuôi có chung nhận định rằng: So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

 

"Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, thì chỉ 3- 5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi”.

Theo số liệu thống kê năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515 nghìn USD. Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch hiện nay, phần lớn là thứ phẩm mà ở các nước ít dùng làm thực phẩm, như: đầu, cổ cánh, tim cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại... Chưa kể đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng ½ giá trong nước cùng loại khi nhập về.

Ngoài con số nhập khẩu chính ngạch nêu trên, còn một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch (nhập lậu). Theo phản ánh của cơ quan chức năng, trong năm 2023 và những tuần đầu của năm 2024, mỗi ngày có từ 6.000-8.000 con lợn thịt (khối lượng 100-120kg/con) được nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà thải loại, gà giống...

Việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta hiện nay đang gây ra rất nhiều hệ lụy. Đó là: Gây lan truyền dịch bệnh; gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước; gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Vì vậy, các hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quân đội tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Đối với nhập khẩu chính ngạch, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó có vấn đề tăng cường các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và hạn chế thấp nhất số lượng các cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào Việt Nam. Cần cấm tất cả mọi hình thức nhập khẩu tiểu ngạch đối với vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi.