14:25 12/06/2017

Tổng thống Philippines phủ nhận nhờ Mỹ giúp đánh phiến quân thân IS

Bình Minh

Ông Duterte nói ông “chưa bao giờ tìm đến Mỹ” để nhờ giúp giải phóng thành phố Marawi khỏi phiến quân Maute

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: Reuters/CNBC.<br>
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: Reuters/CNBC.<br>
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 11/6 nói rằng ông không hề tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ nhằm giải phóng thành phố Marawi khỏi sự chiếm đóng của nhóm phiến quân Maute. Trước đó một ngày, Mỹ tuyên bố đã bắt đầu giúp Philippines trong chiến dịch giải phóng Marawi theo lời đề nghị của Manila.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Cagayan Oro, nơi cách Marawi khoảng 100 km, ông Duterte nói ông “chưa bao giờ tìm đến Mỹ” để nhờ vả.

Khi được hỏi về sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến nhằm đánh bật Maute - nhóm phiến quân đã thề trung thành với tổ chức khủng bố khét tiếng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), ông Duterte nói ông “không hề biết về chuyện đó cho tới khi họ [lính Mỹ] đến”.

Sự hợp tác giữa Mỹ và Philippines, hai đồng minh lâu năm, trong chiến dịch giải phóng Marawi có ý nghĩa quan trọng, vì từ khi lên cầm quyền cách đây 1 năm, ông Duterte đã thể hiện lập trường kém thân thiện với Washington và từng thề sẽ chấm dứt hoạt động tập trận quân sự chung với Mỹ.

Hiện chưa rõ có phải quân đội thân Mỹ của Philippines đã “qua mặt” Tổng thống Duterte để tìm sự giúp đỡ của Mỹ hay không.

Vào hôm thứ Bảy, quân đội Philippines nói lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ kỹ thuật cho binh sỹ Philippines trong chiến dịch ở Marawi, nhưng không tham chiến trên mặt đất. Tuyên bố này khẳng định một tuyên bố trước đó của đại sứ quán Mỹ tại Manila rằng Mỹ đã bắt đầu hỗ trợ Philippines đánh Maute. Thông tin này cũng đã được Lầu Năm Góc xác nhận.

Nhiều năm qua, Mỹ không có lực lượng thường trực ở Philippines, nhưng vẫn duy trì từ 50-100 lính đặc nhiệm ở miền Nam nước này cho các hoạt động huấn luyện luân phiên. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cho biết thời gian này Mỹ đang có 300-500 binh sỹ ở Philippines để hỗ trợ huấn luyện định kỳ.

Một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết hỗ trợ của Washington đối với Manila trong chiến dịch giải cứu Marawi bao gồm trinh sát và xác định mục tiêu từ trên không, nghe lén, liên lạc, và đào tạo. Một máy bay trinh sát P-3 Orion của Mỹ đã xuất hiện ở Marawi vào hôm thứ Sáu.

Trong cuộc họp báo, ông Duterte không nói liệu quân đội Philippines đã “qua mặt” ông để nhờ Mỹ giúp đỡ hay không. Tuy nhiên, ông nói rằng sau nhiều năm huấn luyện với lính Mỹ, “các binh sỹ của chúng tôi là những người thân Mỹ, đó là điều tôi không thể phủ nhận”.

Tính đến hôm thứ Bảy, số binh sỹ quân đội Philippines thiệt mạng trong chiến dịch ở Marawi đã lên tới 58 người. Ngoài ra, còn có 20 dân thường và hơn 100 phần tử phiến quân bỏ mạng.

Hiện còn ít nhất 200 phần tử phiến quân còn cố thủ trong thành phố, và từ 500-1.000 dân thường bị mắc kẹt.

Là một tổ chức phiến quân còn khá mới ở Philippines, nhưng Maute đã chứng tỏ là một nhóm nguy hiểm. Nhóm này đã gia nhập lực lượng với Isnilon Hapilon, trùm khủng bố người Philippines năm ngoái đã được công nhận là thủ lĩnh của IS ở Đông Nam Á.

Giới chức quân sự Philippines tin rằng Hapilon hiện vẫn đang ở Marawi. Quân đội nước này đặt mục tiêu giải phóng Marawi vào ngày 12/6, ngày Quốc khánh Philippines.