Chóng mặt sức ép xe nhập

Đức Thọ
Sức ép của “hàng ngoại” lên thị trường ôtô trong nước đang được hiện thực hóa với tốc độ chóng mặt
Từ vài năm trở lại đây những thương hiệu xe hơi lừng danh liên tiếp đổ về - Ảnh: Doãn Khuê.
Từ vài năm trở lại đây những thương hiệu xe hơi lừng danh liên tiếp đổ về - Ảnh: Doãn Khuê.
Không chỉ còn là trên lý thuyết, sức ép của “hàng ngoại” lên thị trường ôtô trong nước đang được hiện thực hóa với tốc độ chóng mặt.

Liên tiếp nhập cuộc

Khó ai có thể ngờ được chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 2009 đã có đến 4 thương hiệu ôtô thế giới xuất hiện tại Việt Nam qua kênh phân phối chính thức.

Mở màn cho “trào lưu” này là sự kiện Tập đoàn Đông Phong (DongFeng - Trung Quốc) ký hợp tác với Công ty TNHH Máy nông nghiệp Việt Trung vào đầu tháng 11 để phân phối chính thức các loại xe mang thương hiệu Đông Phong tại Việt Nam. Trong dài hạn, Đông Phong có thể sẽ được sản xuất ngay tại Việt Nam.

Chưa đầy một tuần sau, Volkswagen đã được ký hợp đồng hợp tác với nhà phân phối chính thức World Auto. Có lẽ sự góp mặt của thương hiệu xe hơi đến từ nước Đức này là một bất ngờ lớn. Ngay khi ra mắt, nhà phân phối World Auto đã tung ra thị trường cùng lúc 4 mẫu xe, gồm New Beetle, Passat, Tiguan và Touareg.

Sang tháng 12, hai thương hiệu xe hơi nữa là Chrysler (Mỹ) và Subaru (Nhật Bản) cũng gần như đồng thời góp mặt.

Trong đó, Chrysler được phân phối bởi Công ty Cổ phần Ôtô Đông Dương (IC Auto). Hiện tại Chrysler có một showroom ở Tp.HCM và đang góp mặt vào thị trường với 4 mẫu xe mang 3 nhãn hiệu trực thuộc là Chrysler 300C, Jeep Wrangler, Dodge Journey và Nitro.

Dù còn khá lạ lẫm đối với đa phần người tiêu dùng Việt Nam song thương hiệu xe hơi Subaru đến từ Nhật Bản cũng rất được mong đợi khi thâm nhập thị trường qua kênh phân phối của Công ty Hình tượng Ôtô. Hiện nhà phân phối này đang đẩy mạnh thị phần của Subaru tại một loạt thị trường châu Á như Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Philipines, Đài Loan, Thái Lan và bây giờ là Việt Nam.

Ngoài ra, nếu kể đến cả nhãn hiệu Alfa Romeo thuộc tập đoàn Fiat (Italy) tham gia thị trường qua kênh phân phối của liên doanh Mekong Auto thì trong vòng hai tháng qua, số hãng xe chính thức gia nhập thị trường Việt Nam là 5 chứ không chỉ là 4. Thực tế, Fiat cũng đã góp mặt từ một năm trở lại đây với mẫu xe nổi tiếng Fiat 500.

Thách thức xe “nội”

Như vậy, tính đến thời điểm này số thương hiệu ôtô nước ngoài có mặt tại Việt Nam qua kênh phân phối chính thức đã gần như tương đương với đội ngũ thương hiệu “ngoại” góp mặt trong các hãng xe thuộc VAMA.

Với 10 liên doanh, một nhà sản xuất 100% vốn nước ngoài (GM Daewoo) và một nhà sản xuất trong nước (Trường Hải), lượng thương hiệu ôtô quốc tế có mặt tại Việt Nam đang đứng ở con số 17, gồm: Fiat, Ssangyong, PMC, Mazda, Kia, Chevrolet, Daewoo, Mitsubishi, Mercedes-Benz, Suzuki, Toyota, Isuzu, Ford, Hino, Hyundai (tải, bus), Chery và Honda.

Trong khi đó, với sự góp mặt của 5 cái tên mới toanh, lực lượng thương hiệu được đưa về qua kênh phân phối chính thức cũng đã vượt qua con số 10. Có thể kể đến những cái tên như BMW (Euro Auto), Audi (Liên Á Quốc tế), Porsche (PSC), Hyundai (Thành Công), Lifan (Bảo Toàn), Volkswagen (World Auto), Chrysler (IC Auto), Subaru (MIV), Đông Phong (Việt Trung), MAN (VMC) và Fiat - Alfa Romeo (Mekong Auto).

Ngoài ra, sau khi Chính phủ cho phép dựa trên cam kết WTO, từ cuối năm 2008 hàng loạt liên doanh thuộc VAMA cũng đã tiến hành nhập khẩu nguyên chiếc và phân phối các loại xe mang thương hiệu trực thuộc tập đoàn mẹ - đồng thời với hoạt động lắp ráp trong nước. Trong đó đáng chú ý là Mercedes-Benz, Toyota, Mitsubishi hay Ford…

Trên thực tế, một lực lượng khác cũng có những đóng góp âm thầm nhưng không hề nhỏ vào đội ngũ xe nhập khẩu nguyên chiếc là các doanh nghiệp thương mại phân phối tự do. Không phải là đại diện của bất cứ hãng xe quốc tế nào tại Việt Nam, các doanh nghiệp này tha hồ lựa chọn và nhập khẩu bất kỳ loại xe nào và mang thương hiệu gì.

Vì vậy, không hề lạ khi từ vài năm trở lại đây, những cái tên lạ lẫm, những thương hiệu lừng danh nhưng ít gặp liên tiếp đổ về như Hummer, Rolls-Royce, Aston Martin, Lamborghini, Ferrari, Infinity, Mini, Lexus…

Ở hạng trung và bình dân hơn, mỗi tháng khối doanh nghiệp này cũng đem về nước hàng nghìn chiếc xe mang các thương hiệu quen thuộc như Toyota, Daewoo, Ford, Mercedes-Benz, Kia….

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2009 đã có khoảng 66.300 chiếc xe được nhập khẩu về nước. Trong khi đó, dù 16 hãng xe thành viên VAMA bán chạy như tôm tươi và thậm chí liên tục hết hàng cũng chỉ đạt doanh số hơn 110.000 chiếc.

Rõ ràng, với tốc độ gia tăng chóng mặt của lực lượng “hàng ngoại” trong khi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập quốc tế đang nhanh chóng rút ngắn thì sức ép cạnh tranh mà các loại ôtô lắp ráp trong nước phải đối mặt ngày càng nặng nề.

Tin mới

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.
Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.