Blog chứng khoán: Dè chừng ảo giác ở chỉ số
Mặc dù các chỉ số giảm không nhiều hai phiên gần đây nhưng độ rộng thị trường co hẹp liên tục và 4/5 phiên tuần này số cổ phiếu giảm giá đều nhiều hơn số tăng. Chỉ số có thể chưa quay đầu rõ rệt, nhưng cổ phiếu thì đã điều chỉnh thành nhịp...
Mặc dù các chỉ số giảm không nhiều hai phiên gần đây nhưng độ rộng thị trường co hẹp liên tục và 4/5 phiên tuần này số cổ phiếu giảm giá đều nhiều hơn số tăng. Chỉ số có thể chưa quay đầu rõ rệt, nhưng cổ phiếu thì đã điều chỉnh thành nhịp.
Thống kê sơ bộ ở HSX thì số mã giảm giá tuần này nhiều gấp đôi số tăng. Đặc biệt số lượng cổ phiếu lỗ T+3 đang tăng lên nhanh. Việc đo lường xác suất lỗ ngắn hạn ở cổ phiếu tăng lên thường là tín hiệu sớm về sự suy yếu trong xu hướng tăng, bất chấp chỉ số chưa phản ánh điều đó.
Hoạt động chốt lời đã có từ tuần trước, nhất là sau khi có phiên xả mạnh ngày 11/8. Mặc dù giá cổ phiếu hay chỉ số vẫn dập dình đi ngang nhưng không có tiến triển thêm. Ba phiên trở lại đây độ rộng ngày càng hẹp khiến giá có nguy cơ đảo chiều rõ hơn sau những phiên giằng co kiệt sức. Việc co kéo luân phiên các cổ phiếu vốn hóa lớn càng khiến tín hiệu từ chỉ số trở nên kém chính xác.
Áp lực bán tăng lên một cách rõ rệt trong phiên chiều nay. VPB hút tiền mạnh nhưng ngay cả khi không tính cổ phiếu này thì thanh khoản HSX và HNX buổi chiều cũng vẫn cao hơn buổi sáng khoảng 24%, trong khi giá lại tụt xuống. Nói chung quan điểm chốt lời có thể khác nhau, người thì chọn giá cao và chờ, người muốn xả luôn bất kể cả giá. Vì thế hướng đi của giá trong phiên rất quan trọng, phản ánh tính quyết liệt trong hành động. Biên độ ép giá xuống càng lớn tức là người bán chấp nhận mức giá rất thấp, đó phải là nhu cầu thoát ra dứt khoát.
Thị trường hiện tại không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt nào, ngay cả dầu khí hôm nay tăng tương đối đều, thì GAS cũng trồi sụt với thanh khoản không cao. VPB tăng mạnh là câu chuyện riêng, trong khi cổ phiếu ngân hàng đa phần giảm. VNM, SAB, VGC cũng là các cổ phiếu tăng đơn lẻ, chỉ đủ giằng co với VIC, VHM, HPG và một số mã ngân hàng lớn khác. Câu chuyện chọn và nắm đúng cổ phiếu mạnh đang ngày càng bị hẹp lại, xác suất ngày càng nhỏ ở bên đúng, trong khi rất dễ sai. Thực trạng này có thể dẫn đến thanh khoản bắt đầu suy yếu dần nhưng ngày tới khi tâm lý ngại rủi ro gia tăng. Cứ mua vào đến khi cổ về lại hòa vốn hoặc lỗ thì sự chán nản sẽ dâng lên.
Nói chung thị trường nào thì cũng có cổ phiếu mạnh ngược dòng. Nhưng nên nhìn nhận đó là cơ hội đơn lẻ, một câu chuyện cá biệt và không nên để cảm giác về một cổ phiếu trở thành cảm giác về xu hướng chung. Đặc biệt là tâm lý khi nhìn danh mục dễ bị chi phối bởi một cổ phiếu mạnh đơn lẻ mà quên đi phần còn lại đang xấu dần. Sẽ đến lúc cổ phiếu mạnh không thể “gánh” cho cả danh mục và tất cả kéo nhau chìm xuống.
Thị trường phái sinh hôm nay thể hiện rõ sự tiêu cực, basis F1 chiết khấu bình quân 12,2 điểm trong phiên, đóng cửa gần 14 điểm. Thanh khoản bắt đầu tăng mạnh và OI tăng gấp thếp cho thấy giao dịch Short đang rất mạnh. Khoảng 10k vị thế mở đã được tích lũy ở hợp đồng này (trước là F2) với basis chiết khấu từ 2-6 điểm so với VN30 trong 4 phiên dập dình vừa qua. Quy mô này chưa lớn, khả năng cao là VN30 vẫn sẽ được các trụ duy trì trạng thái dao động hẹp như vậy.
Mức chiết khấu quá rộng khiến việc trading rất khó. Lúc VN30 va chạm vào vùng 1303.xx thì basis chiết khấu tới gần 13 điểm. Để giảm rủi ro có lẽ phải chờ lượng OI tích lũy đủ. Chiến lược vẫn là canh Short.
VN30 chốt hôm nay tại 1294.93. Cản gần nhất phiên tới là 1295; 1302; 1308; 1311; 1314; 1319. Hỗ trợ 1286; 1281; 1275; 1271; 1267; 1260; 1254.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.