Blog chứng khoán: Sức nặng của lượng OI kỷ lục ngày đáo hạn
Sự tự tin của các tay chơi phái sinh thể hiện ở khối lượng OI cao kỷ lục tại ngày đáo hạn của tất cả các kỳ từ trước tới nay: 47.946 hợp đồng còn mở. Thậm chí kể cả khi phần lớn thời gian VN30 bò quanh tham chiếu thì F1 vẫn “chấp” 7-8 điểm...
Sự tự tin của các tay chơi phái sinh thể hiện ở khối lượng OI cao kỷ lục tại ngày đáo hạn của tất cả các kỳ từ trước tới nay: 47.946 hợp đồng còn mở. Thậm chí kể cả khi phần lớn thời gian VN30 bò quanh tham chiếu thì F1 vẫn “chấp” 7-8 điểm.
Thực ra thì cũng có một nhịp bên Long buông. Đó là khoảng 15 phút cuối phiên sáng cho đến 20 phút đầu phiên chiều. F1 giảm trước rồi mới đến VN30 và basis vẫn chênh lệch tới +7 điểm.
Do không có số liệu OI realtime nên không thể biết được bao nhiêu vị thế Long được đóng lại trong phiên hay trong nhịp giảm nói trên. Tuy vậy basis thể hiện một sự chắc chắn rất cao của những người giữ vị thế Long. Nhịp đánh lên VN30 ngay sau đó cho thấy sức nặng của lượng OI kỷ lục này. VN30 từ 1295.xx lên tận 1.311.xx, tương đương biên độ 16 điểm.
Có cảm giác rằng nhịp đánh lên này để nhằm tạo điều kiện cho Long cover dễ hơn. Biểu hiện là thanh khoản tăng mạnh trong giai đoạn này nhưng basis thì co lại rất nhanh. Thống kê cho thấy khoảng 47k hợp đồng được giao dịch từ 1h21 tới 2h11. Sau đó các trụ lại được thả rơi và VN30 lao dốc giảm.
Cách tính giá đáo hạn mới làm nhiễu một chút trong việc ước đoán giá của VN30 được sử dụng làm giá thanh toán. Vì thế hoàn toàn có khả năng “điểm cover” được đẩy sớm lên trước 15 phút cuối phiên khớp lệnh liên tục. Nói chung phiên đáo hạn rốt cục cũng là để chốt vị thế, nên chờ trước hay sau cũng không khác lắm vì quan trọng là có thoát được đủ khối lượng và giá tốt hay không. Thậm chí cuối phiên còn là cơ hội để Short ngắn.
Thị trường cơ sở hôm nay cũng bị nhiễu vì đáo hạn, chủ yếu do các trụ được nâng lên hạ xuống khá mạnh. Cơ bản nhất vẫn là cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng. Nếu bỏ qua các dao động của chỉ số, thì rất nhiều cổ phiếu cụ thể vẫn đang bị bán mạnh. Tín hiệu điển hình là giá dao động kiểu tăng trước giảm sau hoặc bị ép xuống với biên độ lớn. Thống kê sơ bộ ở HSX thì có 100 mã bị ép từ 2% trở lên, 120 mã bị ép trong biên độ 1-2%. Với độ rộng khá hẹp cuối ngày thì tín hiệu xả như vậy là khá tiêu cực, khi đẩy được nhiều cổ phiếu xuống dưới tham chiếu.
Việc VNI phụ thuộc quá nhiều vào trụ như VIC là tín hiệu cần thận trọng. VIC nổi lên rất muộn khi các blue-chips khác đã tăng một đoạn khá dài. Điểm số giảm nhẹ tạo cảm giác thị trường đi ngang và VNI vẫn được chờ đợi để “test” ngưỡng kháng cự kỹ thuật được quan sát rộng rãi. Tuy nhiên nếu quá chú ý vào chỉ số có thể sẽ trở nên chủ quan trước hiện tượng phân phối ở các cổ phiếu cụ thể.
Thanh khoản cũng đang là biểu hiện khá thú vị, khi cứ duy trì trung bình 15-16k tỷ mà không tăng vọt lên và cũng không thấp đi rõ rệt. Thị trường đã có khá nhiều kinh nghiệm về thanh khoản đột biến, nên có lẽ sự bình lặng về thanh khoản lại tạo cảm giác an toàn. Tuy vậy bản chất của việc thị trường bão hòa sức mua là chuyển giao được bao nhiêu cổ phiếu, chứ không phải trong bao nhiêu phiên. Thanh khoản bùng nổ thì có thể vài phiên là xả xong, nhưng thanh khoản chậm thì mất nhiều ngày hơn.
Nói tóm lại thị trường vẫn đang trong giai đoạn chững lại vì bị chốt lời nhiều. Cổ phiếu nhiều mã bắt đầu suy yếu dù chưa giảm nhiều. Vẫn giữ quan điểm nên thoát dần. Với phái sinh, F2 hôm nay không phản ứng với nhịp kéo lên của VN30, basis chiết khấu trong nhịp tăng chiều nay tới hơn 15 điểm và đóng cửa -9,4 điểm. Chiến lược là canh Short khi basis co lại.
VN30 đóng cửa hôm nay tại 1299.93. Cản ngày mai là 1303; 1308; 1311; 1314; 1319; 1327. Hỗ trợ 1294; 1286; 1281; 1276; 1271; 1267.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.