Bổ sung vitamin tổng hợp không giúp kéo dài tuổi thọ
Vitamin tổng hợp được thiết kế để cách cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu mà cơ thể có thể bị thiếu. Tuy nhiên, chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn những gì một viên thuốc có thể...
Các chuyên gia y tế cho biết mặc dù một số ít người có thể được hưởng lợi từ việc uống vitamin tổng hợp hàng ngày nhưng phần lớn đang lãng phí tiền bạc. Jamie Martinez, dược sĩ và người sáng tạo nội dung về chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, cho biết: "Vitamin tổng hợp nhìn chung không mang lại lợi ích cho hầu hết mọi người. Chúng tôi có dữ liệu lâm sàng dài hạn cho thấy đa số vitamin tổng hợp không có tác dụng trừ khi bạn trên 65 tuổi hoặc cơ thể có vấn đề về hấp thụ cụ thể".
TÁC DỤNG KHÔNG NHƯ QUẢNG CÁO
Hôm 26/6, một nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) được công bố trên JAMA Network Open cho thấy, vitamin tổng hợp sẽ không giúp kéo dài tuổi thọ của người dùng, và các nhà nghiên cứu báo cáo rằng "việc sử dụng vitamin tổng hợp để cải thiện tuổi thọ là điều không đúng như những lời quảng cáo”. Nghiên cứu này đã phân tích dữ liệu từ gần 400.000 người trưởng thành trong 20 năm, những người tham gia có độ tuổi trung bình là 61,5 tuổi và nhìn chung khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh mãn tính.
Nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc tiêu thụ vitamin tổng hợp hàng ngày làm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh như tim hoặc ung thư. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo gần 165.000 ca tử vong xảy ra trong thời gian theo dõi của nghiên cứu, trong số 390.000 người tham gia ban đầu.
Tiến sĩ Jade A Cobern MD, MPH, bác sĩ được hội đồng chứng nhận về nhi khoa và y tế dự phòng tổng quát cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy rằng, nhìn chung, vitamin tổng hợp sẽ không giúp bạn sống lâu hơn. Mặc dù giá của nhiều loại vitamin tổng hợp không cao, nhưng đây vẫn là khoản chi phí mà nhiều người có thể tiết kiệm được”.
TS. Cobern nhận định, khi có thể, tốt nhất bạn nên bổ sung vitamin và khoáng chất từ chế độ ăn uống của mình, tập trung vào việc tăng lượng rau củ và hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, thay vì chỉ dựa vào thực phẩm bổ sung. "Tất cả chúng ta đều có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung nhiều rau và ngũ cốc nguyên hạt, hoặc các loại đậu vào chế độ ăn uống, giảm lượng thịt đỏ, tăng cường vận động và giảm uống bia rượu", TS. Cobern gợi ý.
Trên ABC News, các chuyên gia cho rằng tốt hơn hết là xác định cụ thể chất còn thiếu và tập trung mục tiêu bổ sung nó thông qua chế độ ăn uống và có chiến lược. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định xem có bất kỳ thiếu hụt dinh dưỡng nào không. "Trước khi giới thiệu các chất bổ sung hoặc thuốc cho khách hàng, tôi đều xem xét tiền sử sức khỏe gia đình, tiền sử bệnh cá nhân, thói quen sinh hoạt và xem xét sâu về các dấu hiệu sinh học của họ thông qua các xét nghiệm máu để xác định sự thiếu hụt vitamin, khoáng chất", Florence Comite, người sáng lập Comite Center for Precision Medicine & Healthy Longevity, nói.
Pieter Cohen, phó giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, thậm chí còn cảnh báo: "Các loại vitamin tổng hợp có thể tương tác với thuốc kê đơn và ảnh hưởng đến cách chúng hoạt động. Ví dụ, vitamin K có thể làm giảm hiệu quả của thuốc làm loãng máu. Một số người luôn có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn từ vitamin tổng hợp, có thể không nguy hiểm nhưng gây khó chịu". Vì thế, trước khi quyết định bổ sung vitamin hàng ngày, mọi người đều nên hỏi ý kiến bác sỹ.
NÊN HỎI Ý KIẾN BÁC SỸ
Tại Việt Nam, các loại vitamin được bày bán khá tự do, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua khi cần. Chính vì thế, khá nhiều người tự ý mua về uống để có đủ dưỡng chất cho cơ thể vì nghĩ rằng, các loại vitamin đều tốt, uống càng nhiều càng có lợi. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi loại vitamin đóng vai trò khác nhau trong cơ thể, nếu thừa sẽ có tác hại.
Theo BS. Nguyễn Văn Tiến, chuyên gia Viện Dinh dưỡng, vitamin A có tác dụng trong tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Nhưng khi thừa vitamin A do uống dầu cá hay các chế phẩm đa vitamin và khoáng chất, hay gặp ở trẻ nhỏ do bố mẹ ép uống, có thể gây phồng thóp, co giật, tăng áp lực nội sọ. Ngay cả người lớn khi dùng quá nhiều vitamin A cũng gây nên khô da, nứt môi, viêm răng lợi, đau khớp, đau xương, rụng lông tóc…
Còn với vitamin C, nếu bị lạm dụng thông qua con đường tiêm tĩnh mạch với liều cao thường xuyên, có thể gây ra những tác hại nguy hiểm như sỏi thận, làm toan máu, tiêu chảy hay viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu.
Nguy hiểm không kém là lạm dụng vitamin D bằng cách uống liều cao mà không theo chỉ định của bác sỹ, sẽ gây ra ngộ độc cho cơ thể, làm tăng hàm lượng canxi trong máu, phát sinh hiện tượng buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi, suy thận đọng canxi ở thận... Ở trẻ em thừa vitamin D gây chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm. Phụ nữ có thai dùng quá thừa vitamin D sẽ bị vôi hóa nhau thai…
Từ đó có thể thấy, tuy vitamin là những vi chất quan trọng, nhưng việc bổ sung vitamin phải được chỉ định, tư vấn của bác sỹ trên cơ sở tình hình sức khỏe của mỗi người, không phải ai cũng giống nhau. BS. Nguyễn Công Bình, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) khuyến cáo: “Có một số trường hợp không được dùng vitamin tổng hợp. Ví dụ như người đang điều trị bệnh ung thư, có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, thì trước khi dùng nên được tư vấn kỹ, bởi vitamin tổng hợp có thể ảnh hưởng đến việc điều trị. Người bệnh đái tháo đường cũng nên thận trọng với viên uống vitamin tổng hợp dùng hàng ngày”, BS. Bình nói.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cũng khuyến cáo cách bổ sung vitamin tốt nhất là qua thức ăn, nước uống. Nếu sợ thiếu vitamin và cả chất khoáng, có thể thăm khám bác sĩ để được chỉ định dùng đúng liều. Lưu ý thận trọng với dạng thuốc sủi bọt bổ sung vitamin.
Bởi dạng thuốc sủi bọt luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat và natri carbonat (khi hòa vào nước sẽ phản ứng với axít citric cũng là tá dược phóng thích khí CO2 gây sủi bọt) có thể gây tăng huyết áp đối với người bị sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối. Đặc biệt, người cao tuổi đang điều trị bệnh tăng huyết áp không nên dùng thuốc bổ sung vitamin dạng sủi bọt.
"Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi thừa vitamin chúng ta cần sử dụng đúng liều lượng và được sự tư vấn, kiểm soát của nhân viên y tế", BS Vũ lưu ý.