Bứt phá về hướng đông, Bến Tre phát triển mạnh về biển
Tỉnh Bến Tre đặt nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá là phát triển về hướng đông, tạo động lực mới, không gian phát triển toàn diện về kinh tế xã hội cho địa phương...
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký.
Theo quyết định này, phạm vi, ranh giới Quy hoạch tỉnh Bến Tre bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bến Tre và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Điểm đáng lưu ý của Quy hoạch tỉnh Bến Tre là phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế địa kinh tế để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, bao gồm việc tổ chức hợp lý, hiệu quả không gian phát triển mới khu vực ven biển là định hướng và tầm nhìn xuyên suốt của quy hoạch để xây dựng phía đông trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động, khu vực động lực phát triển mới của tỉnh.
Đến năm 2030, phấn đấu Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TP.HCM; các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Các đột phá phát triển của tỉnh Bến Tre bao gồm: Tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từng bước mở rộng không gian ra hướng đông để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối với vùng động lực kinh tế phía Nam và TP.HCM. Nghiên cứu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào các chương trình, dự án, ưu tiên cho đầu tư phát triển của tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, cho biết trọng tâm phát triển tỉnh về hướng Đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá của tỉnh, được ghi trong trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây được xem là tư duy mang tính đột phá, dựa trên tiềm năng của địa phương và sự kế thừa những giá trị của lịch sử.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bến Tre cũng cho biết Bến Tre sẽ khai thác và phát huy những thế mạnh kinh tế biển của 3 huyện biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; trong đó, hướng đến nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, cảng cá, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển, phát triển du lịch biển,...
Bên cạnh đó, tuyến đường bộ ven biển kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (tuyến hành lang ven biển) được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ sẽ hình thành thêm một trục giao thông bắc nam kết nối Bến Tre với TP. HCM và các tỉnh lân cận. Với mạng lưới giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại như vậy sẽ hình thành các trục giao thông kết nối đến khu vực các huyện biển, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, vận tải.
Để hiện thực hóa định hướng này, ông Trần Ngọc Tam cho biết tỉnh đã cụ thể hóa thành kế hoạch với một số nội dung trọng tâm. Cụ thể như phát triển một số ngành kinh tế biển chủ lực; trong đó phát triển ít nhất 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.
Bến Tre đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp ba huyện biển chiếm 30% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030. Song song, tỉnh tập trung phát triển điện gió, điện khí hóa lỏng và đầu tư hệ thống lưới truyền tải, trạm biến áp, đến năm 2025 phát triển ít nhất 1.500 mW và đến năm 2030 phát triển 3.000 mW...