Đề xuất sửa đổi chương trình đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không
Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về chương trình đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không Việt Nam và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo sẽ ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không...
So với quy định hiện hành, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: giải thích từ ngữ; chương trình đào tạo, huấn luyện phục hồi, chuyển loại; cơ cấu chương trình học, thời lượng huấn luyện, đào tạo; xây dựng chương trình huấn luyện định kỳ riêng cho từng đối tượng; các trường hợp được miễn tham gia huấn luyện…
Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), hoạt động hàng không dân dụng luôn là một trong số các mục tiêu ưa thích của các tổ chức khủng bố; đồng thời, để đối phó với các biện pháp an ninh phòng ngừa, các đối tượng, tổ chức khủng bố thường xuyên tìm hiểu các quy trình, thủ tục, biện pháp, tiêu chuẩn bảo đảm an ninh hàng không, hệ thống thiết bị kiểm tra an ninh hàng không để phát triển các thủ đoạn, phương thức khủng bố mới.
Theo quy định tại Phụ ước 17 – Công ước Chi-ca-go 1944 về hàng không dân dụng, mỗi quốc gia cần xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo an ninh hàng không dân dụng quốc gia.
Theo đó, ngày 16/7/2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 43/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện an ninh hàng không (Thông tư số 43). Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Thông tư số 43 phát sinh một số bất cập, cần sửa đổi.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam chỉ rõ thực tiễn phát sinh những nguy cơ, thách thức mới đối với an ninh hàng không trong nước và quốc tế; sự thay đổi cơ cấu tổ chức của nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng không.
Cùng với đó, quá trình triển thực hiện hoạt động đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không phát sinh những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị liên quan đến đối tượng, chương trình đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không; giáo viên giảng dạy; giáo trình, tài liệu đào tạo, huấn luyện; cấp chứng chỉ, chứng nhận đào tạo, huấn luyện; cơ sở vật chất, thiết bị, giáo cụ giảng dạy an ninh hàng không và một số nội dung khác.
Mặt khác, Thông tư số 43 chưa quy định việc huấn luyện đối với giám sát viên an ninh hàng không cũng như cán bộ, chuyên viên làm về công tác bảo đảm an ninh hàng không của nhà chức trách hàng không.
Do đó, "lực lượng kiểm soát an ninh hàng không cần có chương trình đào tạo, huấn luyện phù hợp hơn, đảm bảo lực lượng kiểm soát an ninh hàng không là lực lượng chuyên nghiệp về kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức, tác phong khi thực hiện nhiệm vụ", Cục Hàng không nhấn mạnh.
Do đó, trong bản đánh giá tác động chính sách mới trong Thông tư thay thế Thông tư số 43, đơn vị soạn thảo chỉ rõ 9 bất cập, vướng mắc phát sinh để đề xuất, bổ sung 9 quy định, chính sách mới.
Theo đó, dự thảo thông tư đề nghị bổ sung, quy định các chương trình đào tạo, huấn luyện phục hồi, chuyển loại cho nhân viên kiểm soát an ninh hàng không.
Cùng với đó, cơ cấu, sắp xếp lại tên gọi, nội dung các bài học cho phù hợp, chánh chồng chéo, bảo đảm tính trình tự và logic; bảo đảm người học dễ nhận thức, dễ hiểu, sát thực tế.
Bởi theo nhìn nhận của Cục Hàng không, kết cấu chương trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện của Thông tư số 43 chưa khoa học, một số chương trình, trong đó, có chương trình đào tạo ban đầu lực lượng kiểm soát an ninh hàng không chưa thể hiện được bức tranh tổng thể các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không, sắp xếp thiếu logic, nhiều nội dung vừa thiếu vừa chồng chéo.
Chẳng hạn, tại Điều 4, chương trình đào tạo nghiệp vụ an ninh soi chiếu, Thông tư số 43, mục các môn học chung về an ninh hàng không có 4 “môn học” gần giống nhau, sắp xếp chưa khoa học, nội dung chồng chéo: đối phó với sự cố an ninh hàng không; xử lý thông tin đe dọa bom; bảo vệ hiện trường; xử lý vụ việc vi phạm an ninh hàng không.
Cũng tại dự thảo mới quy định chương trình huấn luyện định kỳ riêng cho từng đối tượng nhân viên kiểm soát an ninh hàng không
Hiện nay, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không thuộc 3 khối doanh nghiệp, gồm: nhân viên kiểm soát an ninh hàng không thuộc người khai thác cảng hàng không cung cấp dịch vụ kiểm soát an ninh hàng không; nhân viên kiểm soát an ninh hàng không thuộc các doanh nghiệp dịch vụ không lưu, sữa chữa bảo dưỡng tàu bay, cung cấp dịch vụ suất ăn hàng không, xăng dầu hàng không; nhân viên kiểm soát an ninh hàng không thuộc hãng hàng không chung.
3 đối tượng nhân viên trên có địa bàn, đối tượng, tính chất, đặc điểm công việc khác nhau nhưng đang được huấn luyện định kỳ chung 1 chương trình. Do đó, nhiều nội dung huấn luyện định kỳ không sát thực tế công việc hàng ngày, tác dụng của huấn luyện chưa cao.
Do đó, ban soạn thảo đề xuất tách, xây dựng chương trình huấn luyện định kỳ riêng cho mỗi đối tượng nhân viên kiểm soát an ninh hàng không; đảm bảo sát thực tế.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất cắt giảm các bài học không thực sự cần thiết, bổ sung một số bài học hoặc nội dung học mới, cần thiết; bổ sung, chuyển chương trình bồi dưỡng giáo viên an ninh hàng không từ mục dành cho nhân viên kiểm soát an ninh hàng không về chương riêng, quy định cho tất cả giáo viên giảng dạy về an ninh hàng không; bổ sung chương trình tập huấn công chức, viên chức, giám sát viên an ninh hàng không của Nhà chức trách an ninh hàng không; miễn, giảm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện trong nhiều trường hợp...