Khủng hoảng khí đốt châu Âu: Không chỉ là một mùa đông lạnh (phần 2)
Việc tích trữ khí đốt trong năm 2023 sẽ khó hơn năm nay, xét tới việc dự trữ của năm nay được xây dựng chủ yếu nhờ vào nhập khẩu khí đốt Nga, mà trong năm tới, nguồn này có thể bị cắt hoàn toàn...
Dù sao, chuyên gia Tagliapietra của Bruegel nói rằng châu Âu nói chung hiện đang ở vào một vị thế tốt hơn nhiều so với thời điểm cách đây 2-3 tháng.
Những nỗ lực quyết liệt từ mùa xuân đã giúp khu vực này đa dạng hoá nguồn cung cấp khí đốt trong lúc nguồn cung từ Nga ngày càng suy giảm, bao gồm mua khí đốt hoá lỏng (LNG) từ Mỹ. Khí đốt tự nhiên nhập khẩu qua đường ống từ Nga hiện chỉ chiếm 9% nhập khẩu khí đốt của EU, từ mức 41% của năm ngoái - theo số liệu của Uỷ ban châu Âu (EC).
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu sẽ còn kéo dài - vị chuyên gia cảnh báo. Việc tích trữ khí đốt trong năm 2023 sẽ khó hơn năm nay, xét tới việc dự trữ của năm nay được xây dựng chủ yếu nhờ vào nhập khẩu khí đốt Nga, mà trong năm tới, nguồn này có thể bị cắt hoàn toàn.
TÍNH CẤP BÁCH CỦA CẮT GIẢM NHU CẦU
Mối lo về sự cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt Nga đã gia tăng trong tuần vừa rồi, khi hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cảnh báo có thể áp lệnh trừng phạt lên công ty khí đốt quốc doanh Naftogaz của Ukraine - một động thái có thể khiến dòng chảy khí đốt Nga đi qua Ukraine bị chặn lại. Ngoài ra, sự cố rò rỉ hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 cũng cho thấy tính chất dễ tổn thương của cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu.
Trong bối cảnh như vậy, các nước EU cần hành động tập thể mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế nhu cầu tiêu thụ cả điện và khí đốt trong mùa đông năm nay và sau đó. Nếu châu Âu nỗ lực không đủ để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, mức dự trữ khí đốt của khu vực có thể tụt về “mức thấp nguy hiểm”, đặt nền kinh tế khu vực vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” trong những tháng tới - theo một báo cáo tuần trước của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Một mùa đông lạnh giá có thể khiến cho sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt càng thêm phần tồi tệ, đẩy giá năng lượng toàn cầu “lên cao hơn nhiều”.
Các nước thành viên EU đã từ chối kế hoạch của EC về bắt buộc cắt giảm tiêu thụ khí đốt trong mùa hè vừa rồi, thay vào đó chọn cách cắt giảm tự nguyện. Các chính phủ trong khu vực đã chi nửa nghìn tỷ USD để bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi sự leo thang của giá năng lượng, nhưng nhiều biện pháp trong số này đã che đậy ảnh hưởng của mức giá năng lượng “cắt cổ”, theo đó làm giảm tính cấp bách của việc cắt giảm tiêu thụ.
Ở Pháp, Chính phủ đã đặt ra một mục tiêu cho các công ty và thực thể trong khu vực nhà nước cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng trong mùa đông năm nay so với năm ngoái, trong nỗ lực để tránh xảy ra tình trạng cúp điện. Các doanh nghiệp từ “đế chế” đồ hiệu LVMH cho tới hãng bán lẻ Carrefour đều đã công bố kế hoạch tiết kiệm năng lượng. Thành phố Paris tuyên bố sẽ tắt điện sớm trên tháp Effeil mỗi đêm.
Các biện pháp khác cũng đang được triển khai, chẳng hạn một hệ thống cảnh báo quốc gia có tên Ecowatt từ nhà vận hành mạng lưới RTE. Mạng lưới này sẽ phân loại các ngày theo ba cấp độ xanh, cam hoặc đỏ tuỳ theo áp lực lên mạng lưới điện, để người tiêu dùng và doanh nghiệp nhận thức được mức độ cấp bách của việc cắt giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm mỗi ngày.
TÁC ĐỘNG KHÔNG ĐỒNG ĐỀU
Các mục tiêu tiết kiệm điện là một phần trong gói giải pháp mà EU thảo luận hôm thứ Sáu vừa rồi, cùng với việc đánh thuế vào các công ty năng lượng. EC ước tính rằng các nước thành viên có thể huy động tổng cộng 140 tỷ Euro từ việc đánh thuế vào lợi nhuận của các công ty năng lượng, và tính sẽ dùng số tiền này để bù đắp chi phí cho các kế hoạch hỗ trợ. Tuy nhiên, EU có ý định áp dụng kế hoạch này theo một lộ trình, thay vì xem đây như câu trả lời toàn diện cho khủng hoảng năng lượng. Bởi vậy, giới chuyên gia lo ngại rằng số tiền thu được sẽ chỉ bằng một phần so với dự kiến.
Những nước gồm Italy, Hy Lạp, Bỉ và Malta muốn áp trần giá khí đốt trên toàn khối, hy vọng rằng cách này sẽ cắt đứt chu kỳ tăng giá khí đốt ở châu Âu. Đối với một số nước, cấu trúc ngành năng lượng của họ đồng nghĩa rằng kế hoạch năng lượng chung cho toàn châu Âu mà EU đưa ra sẽ chỉ là sự hỗ trợ trực tiếp ít ỏi. Trong khi đó, một số nước như Pháp đã thực thi kế hoạch của riêng mình rồi.
Thủ tướng Eduard Heger của Slovakia cảnh báo tình hình năng lượng ở nước này đang trở nên nghiêm trọng đến nỗi nền công nghiệp nặng toàn quốc có thể buộc phải đóng cửa trong vòng vài tuần tới trừ phi có một kế hoạch mạnh mẽ hơn của EC. Slovakia đã chi 24 tỷ Euro, tương đương 1/5 GDP để trợ giá năng lượng, nhưng đề xuất mà EC đưa ra chỉ giúp nước này thu ròng 100 triệu USD để bù đắp cho số tiền đã chi ra.
“Nước bị tổn thương nhiều nhất lại là nước nhận được ít nhất”, ông Heger nói.
Chi phí khổng lồ của việc can thiệp vào thị trường năng lượng đang tạo ra tác động không đồng đều đối với các nước EU, xét tới việc mỗi nước có năng lực khác nhau trong việc gánh vác số nợ công ngày càng lớn. Một số nhà ngoại giao đã bắt đầu âm thầm nói về sự hỗ trợ bổ sung để san sẻ gánh nặng, trong đó Slovakia kêu gọi số thuế thu được từ các công ty năng lượng được chuyển vào một quỹ chung để chia đều giữa các quốc gia dựa theo dân số mỗi nước.
Ở Pháp, người tiêu dùng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Saliha Sadelli, một y tá làm việc tại một khu cư dân nghèo ở phía Bắc của Marseille, cho biết cô bị ảnh hưởng nhiều bởi giá xăng tăng vì thường xuyên phải lái xe tới nhà bệnh nhân. Hoá đơn điện của cô cũng tăng mạnh, mặc cho những nỗ lực của Chính phủ hạn chế giá điện tăng.
“Họ nói với chúng tôi là các hộ gia đình được bảo vệ, nhưng tôi vẫn lo lắng khi thấy hoá đơn tiền điện của mình tăng từ 200 Euro/tháng lên 350 Euro, chỉ trong một thời gian ngắn”, ông Sadelli nói. “Tôi tự hỏi mình phải làm gì. Vào mùa hè, tôi có thể giảm dùng điều hoà trong nhà, vì đó là một điều xa xỉ. Nhưng sưởi ấm trong mùa đông không phải là thứ xa xỉ”.