Lạng Sơn tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi, xe chở hàng vẫn "nối đuôi" nhau lên cửa khẩu
Dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả, nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ...
Tại tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/3, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, hàng hóa nông sản của chúng ta bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán đến nay, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía bắc.
Đến sáng nay (ngày 4/3), tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, tỉnh đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt là hàng nông sản, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn phải thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ.
Cụ thể, tỉnh này cố gắng trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để đảm bảo quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ.
Đến thời điểm hiện nay, có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Tuy nhiên từ 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.
“Cùng với các biện pháp chúng tôi triển khai tích cực, trong đó cả việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu, tuy nhiên hàng ngày xe chở hàng vẫn lên Lạng Sơn bằng nhiều hình thức khác nhau”.
Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn
Bên cạnh đó, bà Hà cho biết, việc thiết lập "vùng xanh" để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đã được tỉnh thiết lập và triển khai ở khu biên giới. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của chúng ta và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan.
Ngoài ra, tỉnh này cũng đã thực hiện phương thức hạn chế tiếp xúc, tuy nhiên năng lực thông quan chưa được cải thiện trong khi hàng hóa vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, tình trạng ùn tắc vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bổ sung, tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu trước đây đã có, tuy nhiên tình hình lần này có điểm khác so với trước, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách "zero Covid". Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.
Từ khi xảy ra vấn đề này, liên bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, như: Thủ tướng đã có điện đàm với phía bạn, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng liên tục có điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp.
“Có thể thấy việc thông quan chưa triệt để nhưng những nỗ lực này cũng đã có hiệu quả. Cụ thể, từ ngày 25/01 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15.000 xe thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay đã mở 13/13 cửa khẩu”, ông Chinh thông tin.
Mặc dù vậy, bà Hà lo lắng, trước các thách thức trên, cộng với lượng nông sản đang vào chính vụ trong khi tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu sẽ vẫn tiếp diễn.
“Chúng tôi dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu đã có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ”, bà Hà lo ngại.
Do đó, bà Hà mong muốn, các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan, các địa phương thúc đẩy các kênh tiêu thụ nội địa đặc biệt trong thời gian hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh chế biến cũng như mở lại, khôi phục lại một số hoạt động xuất khẩu nông sản để giảm tải áp lực xuất khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay, tránh thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.