Loạt cổ phiếu trụ gây khó, VN-Index “dùng dằng” tại đỉnh lịch sử
Nếu VN-Index giữ được mức cao nhất ngày hôm nay tới cuối phiên, thị trường có thể đã làm nên lịch sử khi đóng cửa ở đỉnh cao mới. Tuy vậy một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã ép chỉ số lùi lại, cơ hội lại phải chờ sự đồng thuận cao hơn. Giao dịch vẫn mạnh mẽ ở cổ phiếu, các mã chứng khoán thậm chí trần hàng loạt...
Nếu VN-Index giữ được mức cao nhất ngày hôm nay tới cuối phiên, thị trường có thể đã làm nên lịch sử khi đóng cửa ở đỉnh cao mới. Tuy vậy một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã ép chỉ số lùi lại, cơ hội lại phải chờ sự đồng thuận cao hơn. Giao dịch vẫn mạnh mẽ ở cổ phiếu, các mã chứng khoán thậm chí trần hàng loạt.
VN-Index đạt mức cao nhất hôm nay đã tới 1.530,95 điểm, trong khi mức đóng cửa cao lịch sử của chỉ số này là 1.528,57 điểm ngày 6/1/2022. Thậm chí khi đã lùi lại một chút thì đến ngay trước khi bước vào đợt ATC, chỉ số vẫn duy trì được trên mốc 1.528 điểm. Rất tiếc chốt ngày, một loạt cổ phiếu lớn lại lùi giá, thậm chí đỏ, khiến chỉ số rơi xuống 1.524,7 điểm.
Nhóm blue-chips VN30 đóng cửa vẫn có 17 mã tăng/10 mã giảm, nhưng một số cổ vốn hóa lớn lại thay đổi đúng lúc quan trọng nhất. TCB bị ép xuống sâu hơn ở đợt đóng cửa, giảm 1,29% so với tham chiếu. VCB đang xanh bị ép thành đỏ, giảm 0,24%. VHM bốc hơi gần hết mức tăng, chỉ trên tham chiếu 0,13%. HPG cũng để mất một nửa biên độ, chỉ tăng 0,33%. CTG cũng lao dốc sâu hơn, giảm 0,61%, FPT giảm 1,53%...
Nói chung mức thay đổi giá cũng không quá nhiều trong đợt giao dịch cuối cùng, nhưng tổng hợp biến động từ các mã lớn cũng có ảnh hưởng nhất định. Việc chỉ số chưa vượt qua được đỉnh cao lịch sử cũng không phải là vấn đề lớn, vì đây vẫn là mức kháng cự tâm lý mạnh, cần thời gian tích lũy cũng như sự đồng thuận từ các cổ phiếu lớn.
VN-Index chốt phiên chỉ tăng 5,57 điểm tương đương 0,54%, VN30-Index tăng 0,36%, Midcap tăng 0,04%, Smallcap tăng 0,9%. Tuy nhiên các chỉ số không phản ánh hết diễn biến khá tích cực ở cổ phiếu. Độ rộng sàn HoSE vẫn có 254 mã tăng/187 mã giảm. Số giảm trên 1% là 80 mã trong khi số tăng trên 1% là 130 mã.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán kịch trần hàng loạt: AAS, HBS, ART, FTS, AGR, CTS, VND tăng hết biên độ. Nhóm MBS, CSI, VIX, TCI, VDS, TVB tăng trên 5%. 17 mã khác cũng tăng trên 2%. Các blue-chips vẫn khá mạnh: SSI tăng 4,9%, HCM tăng 4,5%, VCI tăng 2,96%...
Các cổ phiếu dầu khí hôm nay cũng nhen nhóm tăng trở lại khi giá dầu lại tăng lên trên 100 USD/thùng. Đặc biệt việc Nga buộc các nước “không thân thiện” phải thanh toán khí đốt bằng rồi rube khiến giá khí tăng chóng mặt và cổ phiếu GAS bật tăng 2,46% sau khi đã tăng 1,3% phiên cuối tuần trước. Loạt mã tăng mạnh khác là PTV tăng 7,14%, PVO tăng 3,97%, PVB tăng 3,18%, OIL tăng 2,92%, PVS tăng 2,08%, PLX tăng 2%...
Dòng tiền vào thị trường chiều nay không mạnh, hai sàn chỉ khớp lệnh thêm 10.444 tỷ đồng, bằng khoảng 60% phiên sáng. Tuy vậy cả ngày hôm nay vẫn là phiên thanh khoản đủ lớn, đạt 28 ngàn tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng giảm thanh khoản cũng là một trong những lý do khiến tổng giao dịch không đột biến. Tất cả các cổ phiếu ngân hàng sàn HoSE hôm nay giảm 15% thanh khoản so với phiên trước, blue-chips ngân hàng trong rổ VN30 giảm 23%.
Nhìn chung việc chỉ số “dùng dằng” tại đỉnh cao lịch sử không phải là câu chuyện quá lớn, vì khá nhiều cổ phiếu blue-chips và đa số cổ phiếu khác không có đỉnh tương ứng. Thậm chí những trụ như VCB, VIC, VHM hay nhiều mã ngân hàng khác vẫn đang ở vùng đáy. Dòng tiền vẫn đang dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.
Như VN-Index hôm nay chủ yếu được kéo bởi các mã GVR, NVL, GAS, MSN, VND là 5 mã khỏe nhất. Trong số này chỉ có GAS là thuộc Top 5 vốn hóa. Việc chưa đồng thuận ở các mã lớn nhất là rào cản mang tính kỹ thuật đối với chỉ số.