Mạng xã hội không thể thay thế huấn luyện viên cá nhân
Theo các chuyên gia sức khoẻ và thể thao, trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục mới nào, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và dừng lại ngay lập tức nếu cảm thấy đau, mệt hoặc có dấu hiệu lạ của cơ thể…
Trong chương trình y tế trực tuyến "The Doctor is Hot" (Trung Quốc), chuyên gia được mời tới chương trình - bác sĩ Hồng Vỹ Kiệt đã nhắc nhở rằng tập thể dục, thể thao quá vội vàng hoặc sai cách theo hướng dẫn trên mạng xã hội có thể gây nguy hiểm tính mạng. Ông cũng chia sẻ một trường hợp bệnh nhân gần nhất mà mình điều trị. Được biết, cô gái này ngoài 20 tuổi, thời gian trước đã xem được một vài video hướng dẫn tập thể dục tại nhà của người nổi tiếng nên cô quyết định làm theo.
Cô đặt mua nhiều dụng cụ tập thể dục, yoga và bắt đầu tự tập luyện tại nhà. Sau vài ngày tập luyện, cô cảm thấy toàn thân đau nhức, đỏ ở các cơ, đêm về rất khó chịu. Nhưng cho rằng cơ thể mình đang dần thích nghi nên cô không để tâm lắm. Chưa đầy một tuần sau đó, cô phát hoảng khi phát hiện nước tiểu của mình có màu đỏ ngầu như máu lúc đi vệ sinh. Biết không thể chủ quan được nữa, cô tự mang theo mẫu nước tiểu tìm đến bệnh viện.
Kết quả kiểm tra cho thấy cô bị tiêu cơ vân, có dấu hiệu ban đầu của suy thận do tập thể dục quá sức và vận động mạnh đột ngột. Bác sĩ Hồng giải thích, tiêu cơ vân hay ly giải cơ vân là một hội chứng nguy hiểm. Chỉ tình trạng các tế bào cơ vân bị tổn thương và huỷ hoại dẫn đến giải phóng một loạt các chất trong tế bào cơ vào máu. Bao gồm kali, acid uric, myoglobin, acid lactic, các enzyme: CPK, AST, ALT… Từ đó gây rối loạn nước điện giải, toan chuyển hóa, sốc, tăng kali máu, hội chứng khoang hoặc làm tắc ống thận gây suy thận cấp. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
Với trường hợp của nữ sinh viên kể trên, rất nhiều năm cô không tập luyện thể dục, cũng gần như không chơi thể thao. Khi đột nhiên vận động mạnh với cường độ liên tục, không cho cơ thể thời gian thích nghi mà lại tập luyện quá sức thì cơ thể quá tải. Ngoài các chấn thương do tập luyện sai cách ngay tại các vùng cơ thì hành vi này của cô còn khiến các tế bào cơ bị phá vỡ và giải phóng một loại protein là myoglobin vào máu. Khi myoglobin được giải phóng với số lượng lớn, thận không thể nhanh chóng thanh lọc máu và bài tiết ra ngoài qua đường tiểu. Đồng thời nó cũng gây ra tắc ống thận, nếu cô đến bệnh viện muộn hơn một chút thì khó tránh khỏi suy thận cấp.
Bác sĩ Hồng nhấn mạnh rằng, dù tập luyện thể dục thể thao với mục đích tốt mà làm sai cách thì cũng khó tránh khỏi chấn thương, nguy hiểm tính mạng. Nhiều lời cảnh báo tương tự cũng đã được đưa ra khi hiện nay có rất nhiều người đang chuyển sang sử dụng mạng xã hội như một kênh hướng dẫn để tập thể dục và TikTok là một trong những nền tảng phổ biến nhất.
Theo CNN, một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên BMC Public Health, gần 2/3 số tài khoản hàng đầu trên Instagram không chứa thông tin đáng tin cậy. Một đánh giá năm 2022 trên Frontiers in Public Health, khi phân tích về 1.000 bài đăng trên TikTok liên quan đến thực phẩm, dinh dưỡng và giảm cân thì chất lượng và độ chính xác của nội dung bài đăng là đáng lo ngại. Jess Brown, huấn luyện viên cá nhân được chứng nhận và người sáng lập của The Glute Recruit ở Westchester, New York (Mỹ) cho biết: “Có rất nhiều bài tập luyện phi thực tế trên TikTok, thậm chí có một số lời khuyên nguy hiểm".
"Phần lớn thông tin về thể dục trên TikTok không được khoa học chứng minh hoặc không được các chuyên gia thể dục đăng tải. Không những thế, họ đưa ra những bài tập chung chung trong khi đó mỗi người sẽ có sức khoẻ khác nhau, tiền sử bệnh hoặc gia đình khác nhau. Bệnh nền và những vấn đề thể chất khác nhau", Monica Jones, một huấn luyện viên cá nhân được chứng nhận ở Washington, DC, cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là một số video TikTok phổ biến nhất lại nằm trong số những video có nhiều vấn đề nhất. Để hấp dẫn người xem, những tiktoker đã thổi phồng thành quả của mình và đưa ra những kết quả rất hấp dẫn khiến người xem tin theo. "Một trong những xu hướng tập thể dục phổ biến nhất trên TikTok liên quan đến việc phát triển cơ bụng. Có nhiều Tiktoker khoe rằng chỉ cần tập luyện trong 1 - 2 tuần, chắc chắn sẽ mang lại cơ bụng 6 múi quyến rũ. Không thể nào. Cơ bụng là một trong những vùng khó giảm mỡ nhất trên cơ thể”, huấn luyện viên Monica Jones, nói.
Gần đây, có một xu hướng tập thể dục nổi trên TikTok khiến nhiều chuyên gia phản đối vì nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng: trước khi tập luyện, hãy cho một muỗng bột (có thể ngũ cốc, bột dinh dưỡng) vào miệng và nuốt xuống, thay vì trộn với nước và uống như trong bảng hướng dẫn. Các chuyên gia cho rằng điều đó rất nguy hiểm - thậm chí có thể gây tử vong - vì nó có thể dẫn đến suy hô hấp hoặc tim mạch.
Nhìn chung, ở các phòng tập chuyên nghiệp, trước khi tham gia, người tập sẽ trải qua một bước đánh giá sức khỏe thể chất, dựa vào đó, huấn luyện viên cá nhân mới đưa ra một chương trình rèn luyện phù hợp. Trường hợp tập luyện theo clip trên mạng xã hội, bước đánh giá sức khỏe ban đầu bị lược bỏ hoàn toàn. Điều này dẫn đến tình trạng người tập "không hiểu được" cơ thể của mình và không biết liệu rằng chương trình tập của clip mình đang xem có quá sức hay không. Hệ quả là nhiều người không thể theo nổi hết bài tập trong clip, gây chán nản trong việc tập luyện.
Bên cạnh đó, khi tập luyện theo clip, do có sự khác biệt về thể lực giữa người trong clip và người xem clip nên ở cuối hiệp, đa phần mọi người sẽ có xu hướng gắng sức để hoàn thành bài tập trong khi cơ bắp đã mỏi. Ngoài ra, việc không có người hướng dẫn trực tiếp điều chỉnh tư thế sẽ làm tư thế luyện tập không chuẩn, từ đó làm gia tăng khả năng gặp chấn thương.
Các chuyên gia về rối loạn ăn uống và dinh dưỡng thể thao cũng cảnh báo ngay cả những hành vi có vẻ lành mạnh như tăng mức độ tập thể dục và ăn kiêng cũng có thể gây hại khi được thực hiện ở mức cực đoan. Trong những trường hợp nghiêm trọng, các vấn đề phát sinh có thể vượt xa sức khỏe tâm thần và dẫn đến các biến chứng y tế nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận và các cơ quan khác.
Tại Việt Nam, Khảo sát chung ghi nhận những sai lầm trong việc luyện tập dẫn đến các chấn thương đáng tiếc. Khoa Y học thể thao - Viện Chấn thương chỉnh hình 175 đã ghi nhận nhiều trường hợp bị bong gân, chấn thương khớp do sai tư thế khi tập thể dục tại nhà. Điều đáng quan ngại rằng đa số bệnh nhân đều đến điều trị muộn vì mang tâm lý "khi nào thực sự đau đớn mới cần đến can thiệp y tế", dẫn đến quá trình điều trị có thể kéo dài và khó đạt được kết quả như ban đầu.
Do đó, các chuyên gia cho biết, nếu có thể, hãy bỏ qua mạng xã hội và làm việc trực tiếp với huấn luyện viên cá nhân để tạo ra các bài tập dựa trên cơ thể, sức khỏe và mục tiêu cụ thể của mỗi người. Hay ít nhất, hãy tìm kiếm các clip hướng dẫn từ các trung tâm thể thao và huấn luyện viên chuyên nghiệp.