Ngân hàng chạy đua với thời gian chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

Chia sẻ

Nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19, quy mô thị trường lớn, chi phí tài chính cao… đang đè nặng lên quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip của ngành ngân hàng. Vì vậy, dù đã cố gắng chạy đua với thời gian, nhưng có lẽ lần này, nhiều ngân hàng sẽ phải lỗi hẹn với nhà điều hành...

Theo Thông tư 41/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/12/2018, đến thời hạn ngày 31/12/2021, 100% thẻ nội địa đang lưu hành sẽ được chuyển sang thẻ chip cho khách hàng. Ngay từ khi Thông tư trên được ban hành, các ngân hàng, NAPAS và các đơn vị có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tích cực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa.

CÒN 20 TỔ CHỨC CHUYỂN ĐỔI THẺ DƯỚI 50%

Thời gian qua, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, Mobile Money… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai, góp phần nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng dịch vụ.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020); thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; đặc biệt, thanh toán qua kênh QR code tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020).

Ngoài ra, chỉ từ tháng 3 đến tháng 10/2021, đã có trên 2,22 triệu tài khoản được mở bằng phương thức eKYC. Đồng thời, có hơn 23 triệu giao dịch được thực hiện bằng các tài khoản này.

Về tình hình phát triển thẻ tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thanh toán thẻ trong những năm gần đây đều được ngân hàng, trung gian thanh toán chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng.

Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 122 triệu thẻ đang lưu hành, bao gồm cả thẻ nội địa và quốc tế; thiết bị chấp nhận thẻ gồm có 21.000 máy ATM và gần 297.000 máy POS. Nhờ vậy, trong 9 tháng, thanh toán giao dịch nội địa qua thẻ tăng 29,8% về số lượng và tăng 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Theo lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết quý 3/2021, đã có 7 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi được 100%; 8 tổ chức chuyển đổi 70-90%; 9 tổ chức chuyển đổi 50-70%; chỉ còn khoảng 20 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi dưới 50%.

Tỷ lệ ATM và POS đang hoạt động tại Việt Nam đã tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa đạt tương ứng 86,82% và 91,13% thiết bị đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, 18 tổ chức thanh toán thẻ đã hoàn thành chuyển đổi 100% ATM/POS.

Ngân hàng chạy đua với thời gian chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip - Ảnh 2

Nhìn nhận về yêu cầu chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho rằng đây là yêu cầu phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Bởi lẽ, trước đó ngành ngân hàng đã có bước phát triển rất mạnh mẽ trong giai đoạn thẻ từ. Tuy nhiên, vấn đề rủi ro, mất an toàn dần nổi lên như việc các đối tượng nước ngoài tận dụng công nghệ thẻ từ cũ đã hoạt động hành vi phạm tội. Nếu không sớm chuyển đổi, Việt Nam có thể trở thành vùng trũng của tội phạm công nghệ.

“Thêm vào đó, thẻ chip còn cho phép kết nối với nước ngoài theo một chuẩn chung, tích hợp nhiều ứng dụng để mở ra không gian phát triển mới cho lĩnh vực thanh toán thẻ. Nhìn chung, thẻ chip mang lại lợi ích cho cả người dùng, cho tổ chức phát hành thẻ và trung gian thanh toán thì việc chuyển đổi là điều chắc chắn xảy ra”, ông Dũng chia sẻ.

CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip phản ánh xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này còn phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của người dân, mặc dù đã hội đủ các điều kiện cần (như: ngân hàng trung ương đưa ra lộ trình cụ thể, sự tham gia nhiệt tình của tổ chức chuyển mạch, tổ chức phát hành thẻ).

“Các quốc gia trong khu vực đều cần thời gian để khách hàng có thể tiếp cận được thông tin. Sau đó mới kéo theo sự thay đổi về ý thức hành vi đối với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Vì vậy, ngân hàng trung ương các nước đều đặt ra một lộ trình dài về quá trình chuyển đổi này”, bà Oanh nói.

Bà Oanh nêu ví dụ cụ thể: tại Indonesia, quốc gia này bắt đầu thực hiện từ năm 2015 đến cuối năm 2021 mới hoàn thành, tương đương 6 năm để thực hiện chuyển đổi; Thái Lan chuyển đổi 60 triệu thẻ từ năm 2016 và đến hết năm 2020 mới kết thúc được việc chuyển đổi.

Tại Việt Nam, theo bà Oanh đánh giá, kể từ khi ra quy định yêu cầu chuyển đổi từ năm 2018 đến nay, tương đương chỉ trong 3 năm, các ngân hàng đã chạy đua với thời gian để đầu tư và nỗ lực rất lớn vào quá trình chuyển đổi.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các đơn vị chấp nhận thẻ liên quan đến ATM và POS hầu như đã chuyển đổi thành công 100%; chỉ còn 20 tổ chức chuyển đổi dưới 50%. Tuy nhiên, 20 tổ chức này đều là những ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất, khiến trung bình toàn bộ thị trường nằm dưới 40% tổng số thẻ cần chuyển đổi.

Ngân hàng chạy đua với thời gian chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip - Ảnh 3

Lãnh đạo Chi hội thẻ Việt Nam thừa nhận rằng, ngân hàng nỗ lực nhưng việc chuyển đổi chậm là do vấn đề thời gian ngắn, khiến ý thức chấp hành của khách hàng chưa cao. Ngoài ra, còn liên quan đến quy mô thị trường, đặc điểm tệp khách hàng. Cụ thể, số lượng thẻ đang lưu hành rất lớn, nhưng một khách hàng có thể có nhiều thẻ, trong đó chỉ sử dụng một thẻ chính, số thẻ còn lại gần như “ngủ đông”.

Đồng thời, rất nhiều thẻ liên kết với trường học, y tế, bệnh viện hoặc thẻ trả trước vô danh, rất khó thể tìm ra khách hàng để chuyển đổi. Thậm chí, việc kêu gọi khách hàng cũng khó khăn do thời hạn của thẻ liên kết rất ngắn.

Do đó, bà Oanh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước không nên bắt buộc ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi với các thẻ liên kết, thẻ không có giao dịch trên 12 tháng để dồn nguồn lực cho số lượng thẻ còn lại.

“Với tác động của dịch Covid-19 và đặc điểm của tệp khách hàng sử dụng thẻ mà không hoạt động trong 12 tháng hoặc thẻ liên kết, thì trong thời gian ngắn, khách hàng khó có thể hấp thụ được thông tin. Nếu Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ khó khăn như đã nói, cùng với nỗ lực của các ngân hàng, thành viên Chi hội Thẻ có thể hoàn thành việc chuyển đổi trong năm 2022”, bà Oanh khẳng định.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con