Quy hoạch TP.HCM không nên theo kiểu “đất trống là điền vào”
Đối với việc quy hoạch thì không phải chỗ nào đất trống là làm nhà ở, làm khu công nghiệp được…
Một trong những mục tiêu quy hoạch chung TP.HCM là phát triển thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế, quốc gia, trung tâm văn hóa, tri thức, sáng tạo, công nghệ cao, trung tâm du lịch tài chính, thương mại dịch vụ…
Thông tin tại hội thảo "Tiến tới Đồ án Quy hoạch chung TP.HCM, những vấn đề và giải pháp cho hạ tầng đô thị và liên kết các chức năng trong vùng" diễn ra ngày 07/12/2022 tại TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố để đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Điều này tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, hạ tầng, nhà ở, giao thông, môi trường thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
“Quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị TP.HCM cần tiếp cận đột phá, vừa đáp ứng cho cuộc sống người dân, doanh nghiệp, vừa đáp ứng các định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo”, ông Cường nhấn mạnh.
Quy hoạch TP.HCM đang được nhấn mạnh vấn đề liên kết vùng. Do đó, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng quy hoạch mà không làm rõ mối quan hệ giáp ranh với các tỉnh thì mất đi khả năng kết nối rất lớn về giao thông, không gian của TP.HCM.
TP.HCM phải quyết tâm phát triển hạ tầng kết nối, đặc biệt là khép kín Vành đai 2, Vành đai 3 và cuối cùng là Vành đai 4 để kết nối toàn vùng TP.HCM. Cùng với đó, thành phố cần đầu tư xây dựng các đường xuyên tâm, đường sắt.
"Cảng Thị Vải – Cái Mép lớn như thế mà chưa có đường cao tốc, đường sắt kết nối thì sao phát triển được. Đường Vành đai 3 người dân rất quan tâm vì khi hoàn thành container sẽ không vào thành phố gây kẹt xe", ông Chính cho biết.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nếu liên kết vùng tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM có thể tăng nhiều lần. Thành phố cũng cần lưu ý việc quy hoạch tích hợp, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
“Vì khi phát triển một trục giao thông mới cần quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hai bên theo định hướng TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng)”, ông Sơn nói. Chẳng hạn tuyến metro số 1 phát triển lên hướng Đồng Nai theo đúng nguyên tắc TOD thì có thể thu hút 1 triệu dân và nội thành sẽ thông thoáng hơn vì người dân không cần vào trung tâm vẫn đảm bảo các nhu cầu sống.
Nói về mô hình TOD, ông Đặng Huy Đông, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng các hoạt động đô thị càng bám sát với hoạt động giao thông công cộng, theo mô hình TOD thì TP.HCM sẽ càng “giải tỏa” được rất nhiều.
Đối với việc quy hoạch hiện nay của TP.HCM, ông Đông cho rằng thành phố đang quy hoạch theo kiểu “chỗ nào đất trống là điền vào” theo nhu cầu của doanh nghiệp và người dân mà không thấy rằng không phải chỗ nào đất trống là làm nhà ở, làm khu công nghiệp được.
Nhấn mạnh đến yếu tố biến đổi khí hậu, TS Nguyễn Trung Việt, nguyên chánh văn phòng Phòng biến đổi khí hậu TP.HCM, cho rằng công tác quy hoạch chung của thành phố nên tính đến việc xây dựng hồ điều hoà. Hiện nay, TP.HCM có 26.000 ha đất đang để trống, tuy nhiên, công tác đi tìm quỹ đất để xây hồ điều hòa đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vì tình trạng ngập do biến đổi khí hậu là một trong các vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh mực nước biển dâng, lượng mưa trên địa bàn TP.HCM những năm gần đây là điều đáng báo động.
Nếu TP.HCM không đánh giá đúng hiện trạng, nguồn tiền đầu tư vào các cơ sở hạ tầng liên quan đến biến đổi khí hậu rất lớn, bởi nó liên quan đến rất nhiều khía cạnh như đường, cầu, hệ thống cấp thoát nước.