TP.HCM cam kết không để giá hàng hóa “té nước theo mưa” khi tăng lương
TP.HCM đang triển khai chương trình bình ổn thị trường theo nguyên tắc đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường. Không để để một cá nhân hay doanh nghiệp lợi dụng việc tăng lương để “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý…
Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM diễn ra vào chiều 11/7, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng Phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trước đây, mỗi lần tăng lương hoặc những dịp lễ, Tết... thường xảy ra các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, "té nước theo mưa", tăng giá bất hợp lý bởi các hệ thống phân phối còn mỏng và nguồn hàng không ổn định.
Tuy nhiên, đến nay, Thành phố đang triển khai chương trình bình ổn thị trường theo nguyên tắc đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Chương trình đã có quy chế, doanh nghiệp tham gia với lượng hàng phong phú, chất lượng, giá cả ổn định, sẵn sàng bổ sung khi xảy ra khan thiếu hàng hóa cục bộ. Hệ thống phân phối cũng phủ khắp địa bàn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn”, ông Hùng khẳng định.
Do đó, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng rất khó để một cá nhân, doanh nghiệp nào đó lợi dụng việc tăng lương để “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý.
Chia sẻ tại buổi họp, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), cho biết giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống Co.opmart và Co.opXtra hiện vẫn ổn định, không biến động đáng kể so với trước ngày 1/7.
Phía doanh nghiệp cho biết thêm sẽ chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán. Đồng thời, đa dạng hóa các chương trình kích cầu tại điểm bán. Về dài hạn, doanh nghiệp có kế hoạch ổn định nguồn hàng và ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác kinh doanh, đảm bảo giá cả hàng hóa ổn định.
Theo Sở Công thương Thành phố, thực tế cho thấy từ ngày 1/7, việc tăng lương đã tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ dễ dẫn đến tác động dây chuyền nên cần động thái chuẩn bị và hạn chế tác động tiêu cực.
Chính vì vậy, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều đã có phương án dự phòng từ sớm. Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã có chỉ thị đảm bảo cung cầu và Thành phố cũng đã có chỉ đạo quyết liệt.
Phía doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa... trong mọi tình huống.
Đồng thời, tập trung theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tác động lớn và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.
Hưởng ứng Chương trình Khuyến mại tập trung Shopping Seaseon, để hỗ trợ người thu nhập thấp, Sở Công thương Thành phố đang phối hợp các quận huyện triển khai Chương trình Bán hàng lưu động cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Dự kiến triển khai từ đầu tháng 8, kéo dài đến hết năm 2024 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bình ổn thị trường, nhiều doanh nghiệp lớn và cả doanh nghiệp FDI…
Ngoài ra, để thúc đẩy sức mua, đồng thời kiểm soát giá cả, TP.HCM cũng tập trung nhiều giải pháp bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng. Cụ thể: Chương trình Shopping Season: Đợt 1 từ ngày 15/6 đến ngày 15/9/2024; Đợt 2 từ ngày 15/11 đến ngày 31/12/2024. Dự kiến có gần 10.000 thương nhân tham gia, với trên 55.000 chương trình khuyến mại.