Áp lực tỷ giá sẽ vơi dần
Mặc dù tỷ giá VND/USD đã tăng mạnh gần 5% trong những tháng đầu năm nhưng các chuyên gia cho rằng áp lực tăng tỷ giá sẽ vơi dần trong những tháng tới…
Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng tỷ giá không phải là vấn đề đáng lo trong thời gian tới. Sự kiện do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức ngày 6/6/2024.
Theo chuyên gia, tỷ giá sẽ không vượt qua 26.000 VND/USD bởi khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024 hoặc tháng 9/2024 ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và kỳ vọng giảm giá đồng “bạc xanh” trên thị trường ngày một gia tăng. Và vì vậy, chỉ số đồng USD sẽ giảm xuống 100 điểm và Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá.
“USD sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và USD Index đi quanh ngưỡng 95-105 điểm, không còn tăng cao hơn nữa. Lãi suất của Fed sẽ giảm xuống mức 2,75-3% trong vòng 3 năm nữa. Theo đó, VND nên mất giá ở mức độ xấp xỉ với tốc độ lạm phát. Mặt bằng lãi suất cần xoay quanh mức CPI cộng với biên độ khoảng 3-4%”, ông Phước phân tích.
Về mức mất giá gần 5% của đồng VND từ đầu năm đến nay, ông Phước cho rằng nếu xét về cân đối (cán cân thanh toán, lạm phát…), VND lẽ ra không nên mất giá 5% trong một quý.
“Nếu xem tỷ giá là đường ruột thì kháng sinh liều cao là lãi suất. Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ. Điều mà tôi muốn nói là đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa bệnh đường ruột", chuyên gia này ví von.
Mặc dù vậy, ông Trương Văn Phước lưu ý cần đánh giá lại chính sách lãi suất USD 0%, bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam luôn bị áp lực với tỷ giá.
Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng áp lực tỷ giá với Việt Nam cũng đã “bớt dần”.
Cụ thể, theo ông Lực, việc lãi suất USD neo ở mức rất cao trên 5% gây áp lực mất giá lên lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có VND. Tuy vậy, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, đồng USD đã mất giá hơn 1,5% và có khả năng sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới khi Fed có đợt điều chỉnh lãi suất. Điều này đồng nghĩa với việc các đồng tiền khác sẽ bắt đầu tăng trở lại.
“Theo đó, đồng VND chỉ mất giá khoảng 3,5-4% trong năm 2024”, TS Lực dự báo.
Cùng thảo luận tại diễn đàn, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank, dự báo có thể USD sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng. Bởi theo ông, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh hơn nhiều so với châu Âu hay các quốc gia G7 khác. Nên ngay cả khi Mỹ hạ lãi suất thì châu Âu cũng sẽ thực hiện điều tương tự, thậm chí với tốc độ nhanh hơn.
“Do lạm phát EU ổn định hơn, nên châu Âu nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn so với Mỹ, vô hình chung đẩy sức mạnh của đồng USD đi lên. Ngoài ra, EUR cũng đóng vai trò lớn trong USD Index (DXY). Nên nếu ECB có động thái như vậy, USD vẫn hàm chứa rủi ro mạnh lên”, ông Đạt nêu quan điểm và cho rằng Việt Nam vẫn cần có những dự phòng với “biến số” này.
Về yếu tố bầu cử, ông Đạt cho rằng nếu cựu Tổng thống Trump vào Nhà Trắng thì các chính sách về thuế quan, nhập cư có thể là yếu tố khiến lạm phát tăng trở lại và ảnh hưởng tới lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025, giúp USD vẫn có thể “giữ vị thế cao chứ không hoàn toàn sụp đổ”.