Báo chí và trí tuệ nhân tạo: Từ cộng tác tới cộng sinh
Sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung và toàn ngành báo chí nói riêng. Mối quan hệ này phát triển từ sự trợ giúp, cạnh tranh đến hợp tác, đồng sáng tạo, tranh hợp và ở mức độ cao nhất là cộng sinh...
Sự xuất hiện của Chat GPT vào tháng 11/2022 có thể được coi như một vụ nổ lớn với toàn nhân loại. Lần đầu tiên mà một công cụ mạnh như vậy đã được giao vào tay bất kỳ ai truy cập Internet và có tài khoản email. Nối theo sau, các chương trình AI dân sự xuất hiện dày đặc với tần suất và số lượng lớn, làm say mê người sử dụng.
Từ các ứng dụng chuyên văn bản như: Chat GPT, Claude Ai, Gemini, Notion; ứng dụng đồ họa Midjourney, Dall E, Copilot, Stable Diffusion, Canva; đến các ứng dụng video như Invideo, Sora; sáng tác, phổ nhạc và biểu diễn: Suno sáng tác nhạc, làm thơ, vẽ tranh, tạo ra ảnh chụp, làm ảnh và video quảng cáo, sản xuất phim hoạt hình - những lãnh địa mà con người tưởng chỉ có mình làm được đã dần dần thấy sự xuất hiện vượt trội của AI.
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRỞ THÀNH TRỢ LÝ
Không nằm ngoài các biến động của xã hội, ngành báo chí chứng kiến sự những thay đổi lớn trong công việc truyền thống của nhà báo.
Thứ nhất, trong việc thu thập tin tức. Các công cụ Google Alert vốn đã được dùng từ lâu, ngày càng trở nên chính xác với sự hỗ trợ của AI. Thêm vào đó, người làm báo có thể thu thập dữ liệu từ các thiết bị kết nối trong mạng lưới Internet vạn vật (IoT) để tìm các thông tin chứng thực hoặc phản biện giả thuyết của mình.
Hãng tin Reuters dùng ứng dụng AI News Tracer để sàng lọc và phát hiện sớm các vấn đề đáng được đưa tin đang được bàn thảo trên các kênh truyền thông xã hội (social network). Nhờ vào phần mềm này, năm 2015, hãng đã đưa tin về một vụ nổ súng ở San Bernardino, California (Mỹ) sớm hơn tất cả các phương tiện truyền thông khác. Ứng dụng này cũng cảnh báo về một vụ động đất ở Ecuador 18 phút trước khi các nhà xuất bản báo khác đưa tin về chuyện này.
Trong một báo cáo năm 2022, Hãng thông tấn Đức Deutsche Welle cho rằng AI có thể giúp họ đưa tin trước các hãng khác tới 45 phút. Đài phát thanh Pháp Radio France đã hợp tác với Dataminr để săn tin nóng qua các cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông xã hội. Nhờ đó, Radio France là bên đầu tiên đưa tin về vụ đánh bom sân bay Brussel năm 2016 và vụ tấn công khủng bố tại thành phố Nice của Pháp. Trong trường hợp này, các phương tiện truyền thông xã hội hoạt động như một hệ thống cảm biến trinh sát (sensor) cho nhà báo.
Giờ đây, hơn 1.500 tòa soạn trên thế giới đang sử dụng nền tảng AI Dataminr phần dùng cho báo chí. Nền tảng này có thể cung cấp trong thời gian thực thông tin cho các nhà báo lấy từ hơn 500.000 nguồn thông tin công cộng từ mạng xã hội, từ các thiết bị IoT sensor, báo đài, web đen, web ẩn..., nhờ đó các nhà báo có thể tối ưu hóa quy trình tác nghiệp và phân bổ nguồn lực.
Thứ hai, trong sản xuất tin bài. Nếu yêu cầu chỉ là những bài viết theo công thức 5W1H thì các ứng dụng AI có thể dễ dàng tạo ra hàng trăm bài viết trong một thời gian ngắn. Các ứng dụng AI có thể viết đi viết lại không mệt mỏi một tin tức để đăng báo. Hơn thế nữa, các phần mềm chuyển từ văn bản sang giọng nói ngày càng phổ biến khiến các bài viết có thể được dễ dàng chuyển thành các tác phẩm báo chí đa phương tiện, post cast, post course, thậm chí là cả video.
Thứ ba, trong khâu phân phối. Trí tuệ nhân tạo, với sự hiểu biết sâu sắc của mình về hành vi của độc giả, khán giả, đưa ra các giao diện đặc thù phù hợp với từng nhóm công chúng, thậm chí từng người. Thông qua nhóm công chúng có chung sở thích, đặc điểm nhân khẩu học, quan điểm, tâm lý thành các nhóm riêng biệt, AI giúp các tòa soạn phân phối thông tin hiệu quả hơn tới công chúng đảm bảo mức độ giữ chân công chúng lâu hơn trên không gian mạng của mình.
CỘNG TÁC VÀ ĐỒNG SÁNG TẠO?
Các chương trình AI như Aurora của Microsoft và Earth-2 của Nvidia có thể dự báo thời tiết với mức độ chính xác cực cao so với các phương pháp phổ biến hiện nay. AI ứng dụng cho báo chí có thể viết ra tin tức cảnh báo sớm mà không cần đến con người.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ đã sử dụng AI FACTIVA có hơn 30.000 nguồn tin để theo dõi thường xuyên các thay đổi của luật pháp và tình hình tội phạm tài chính. Hàng triệu trang tài liệu có thể được AI lướt qua và tóm tắt nhanh chóng. Điều này giúp cho các nhà báo tiết kiệm được thời gian để điều tra sâu về chủ đề tiếp cận hoặc chứng thực các giả thuyết của mình. AI cũng có thể giúp nhà báo xem thông tin mình đưa ra có vi phạm các quy định pháp luật hoặc nói ngược lại chính quan điểm của mình, của tòa soạn đã được công bố trước đó...
(*) Tác giả là Chuyên gia truyền thông.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam